Hàng trăm trường hợp mua nhà, sử dụng nhà ở xã hội trái luật tại Hà Nội, TP HCM
TP HCM: Kiến nghị sớm tháo gỡ vướng mắc tại dự án khu nhà ở xã hội Tân Bình Lãi suất vay ưu đãi mua nhà ở xã hội 4,8%/năm |
Trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều bất cập tại các dự án nhà ở xã hội ở TP HCM và Hà Nội.
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước phát hiện tại TP HCM và Hà Nội lựa chọn chủ đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án nhà ở xã hội khi chưa có trong kế hoạch; chưa xác định vị trí, quy mô hoặc có xác định nhưng chưa đảm bảo tỷ lệ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Trong đó, tại TP HCM kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 đã bao gồm 9 dự án đã xây dựng hoàn thành năm 2016, 2017 (các dự án được chấp thuận đầu tư từ những năm 2014, 2015 trở về trước), 22 dự án đã được chấp thuận đầu tư trước khi có chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2025.
Hàng trăm người đã có nhà ở vẫn được mua nhà xã hội |
Còn tại Hà Nội có 25 dự án đã được duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa có trong danh mục dự án phát triển nhà ở xã hội kèm theo kế hoạch.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, một số dự án được hoán đổi 20% diện tích đất để phát triển nhà ở xã hội bằng một khu đất khác không có trong quy định. Trong đó tại TP HCM có dự án Khu dân cư và Công viên Phước Thiện; Khu dân cư Hoàng Nam (phường An Lạc, quận Bình Tân).
Đồng thời, cơ quan kiểm toán cũng phát hiện tình trạng lập, thẩm tra, phê duyệt dự toán chưa chính xác về khối lượng, đơn giá, chưa xác định rõ diện tích chung, riêng, phương án tài chính còn sai sót làm ảnh hưởng giá bán, cho thuê.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước còn phát hiện tình trạng người được mua, cho thuê nhà ở xã hội sử dụng không đúng mục đích.
Cụ thể, đối với TP HCM, tại 5 dự án được kiểm toán chi tiết có 85 trường hợp người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội có dấu hiệu đã có nhà ở tại thời điểm được mua, thuê, thuê mua; 64 trường hợp người được mua, thuê, thuê mua có giao dịch ủy quyền về nhà ở xã hội, bên cạnh đó còn nhiều trường hợp sở hữu đất đai nhưng chưa có hồ sơ chứng minh có nhà trên đất nên đoàn chưa đánh giá.
Trong khi đó, đối với TP Hà Nội, tại 2 dự án được kiểm toán chi tiết có 122 khách hàng được mua, 16 khách hàng được thuê nhà ở xã hội sử dụng không đúng mục đích.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước còn phát hiện có dự án, chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý nhưng đã bàn giao cho người dân vào sử dụng.
Trong đó, dự án nhà ở xã hội cho thuê Khu dân cư Lê Thành (TP HCM) chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý về quyền sử dụng đất, chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bàn giao mốc giới, lộ giới các tuyến đường, hẻm, cao độ san nền ngoài thực địa liên quan đến khu đất xây dựng công trình tại thời điểm khởi công.
Kết quả kiểm toán còn cho thấy một số tồn tại, bất cập về cơ chế, chính sách như chính sách ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án nhà ở xã hội.
Cụ thể đó là cơ chế ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP còn chưa thống nhất với Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Kiểm toán Nhà nước cũng khẳng định, việc cho phép nộp bằng tiền thay cho việc bắt buộc dành quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha là không phù hợp với quy định của khoản 2 Điều 16 luật Nhà ở năm 2014 và khoản 1 Điều 118 luật Đất đai năm 2013.
Trong khi đó, TP HCM và Hà Nội cũng chưa có hướng dẫn, quản lý, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ nộp số tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20% vào ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.