Hàng loạt khó khăn bủa vây các dự án điện khí LNG
Hiện nay, cả nước có khoảng 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg. Theo đó, tới năm 2030 sẽ có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất 83 tỷ kWh
Với tiến độ triển khai các dự án như hiện nay có thể thấy các dự án điện khí LNG sẽ rất khó khăn để hòa lưới điện kịp tiến độ vào năm 2030. Bởi lẽ, các dự án điện LNG từ lúc có quy hoạch đến khi vận hành thường mất 8-10 năm, thậm chí lâu hơn. Do đó, việc chậm tiến độ các nguồn điện, đặc biệt chậm phát triển nguồn điện nền như LNG sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ tin cậy của hệ thống sản xuất điện trong trung và dài hạn.
Tại các cuộc họp liên quan đến lĩnh vực LNG, lãnh đạo Bộ Công thương đã nhấn mạnh khí hóa lỏng LNG có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tổng sơ đồ điện VIII đến năm 2030 và đặc biệt quan trọng đối với vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, nhất là với phía Bắc: "nếu tình trạng chậm tiến độ còn tiếp tục tái diễn, vấn đề an ninh năng lượng quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đây là nguồn điện nền và cũng là nguồn điện có phát thải thấp".
Tàu LNG tại Kho cảng LNG Thị Vải |
Thực tế, những khó khăn của các doanh nghiệp triển khai dự án điện khí LNG xuất phát từ sự thiếu vắng cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp nhập khẩu LNG, cũng như phù hợp với đặc thù ngành LNG và thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, còn một số vướng mắc liên quan đến việc đàm phán ký kết các hợp đồng; tiến độ giải phóng mặt bằng tại các địa phương; một số địa phương chưa thể đàm phán, ký kết thỏa thuận đấu nối cho dự án do chưa xác định được chủ đầu tư; các đề xuất ưu đãi, đảm bảo đầu tư của nhà đầu tư chưa phù hợp…
Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho biết hiện nay sự suy giảm nguồn khí nội địa đang diễn ra nhanh hơn so với dự báo, do vậy PV GAS đang tập trung đầu tư cho các dự án kho cảng LNG nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung khí cho sản xuất điện, sản xuất phân đạm và các ngành sản xuất công nghiệp khác. Tuy nhiên, PV GAS đang gặp những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan đến sản phẩm LNG, trực tiếp làm ảnh hưởng lên công tác đầu tư, kinh doanh LNG nhập khẩu. Cụ thể hơn, sự thiếu vắng của các cơ chế bao tiêu về khối lượng, cơ chế chuyển ngang giá LNG sang giá điện và các quy định liên quan đến chi phí liên quan như cước phí gây khó khăn trong việc xác định tổng mức đầu tư, giá phát điện đầu ra cũng như làm tắc nghẽn quá trình đàm phán các thỏa thuận thương mại trong các khâu của chuỗi giá trị LNG.
Các chuyên gia cũng nhận định một trong những thách thức lớn nhất của phát triển điện khí là sự thiếu hụt nguồn khí trong nước. Việc tăng phụ thuộc nguồn LNG nhập khẩu không chỉ để cung cấp cho các dự án điện khí LNG mới mà còn là cấp thiết để bù đắp cho nguồn.
Kho cảng LNG của PV GAS tại Thị Vải – Bà Rịa Vũng Tàu |
Theo các chuyên gia, với kinh nghiệm quốc tế, vướng mắc lớn nhất để các dự án điện LNG triển khai là việc cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm (Qc) từ phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và bao tiêu sản lượng khí hàng năm.
Việc cam kết sản lượng điện phát và tiêu thụ khí hàng năm là điều kiện tiên quyết, là cơ sở để các tổ chức tài chính xem xét tài trợ tín dụng cho dự án, cũng như dự án mua được nguồn LNG giá tốt thông qua hợp đồng mua LNG dài hạn để giá thành phát điện cạnh tranh hơn.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, PV GAS với vai trò là doanh nghiệp dẫn dắt ngành công nghiệp khí vẫn đang nỗ lực triển khai Chiến lược phát triển thị trường khí theo đúng định hướng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Trong đó, doanh nghiệp xây dựng các cơ chế nhằm ưu tiên nguồn khí nội địa cho chế biến, đồng thời chuyển đổi mô hình kinh doanh khí của PV GAS theo mô hình kinh doanh tích hợp nhằm tạo lợi thế và cơ chế cho phát triển kinh doanh LNG đối với các khách hàng công nghiệp.
Song song đó, PV GAS cũng chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền và tham gia vào quá trình xây dựng các cơ chế chính sách cần thiết cho việc đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và kinh doanh LNG, đặc biệt đối với công tác cung cấp LNG phục vụ sản xuất điện.