Hàng loạt dịch vụ hút khách “ăn theo” Luật phòng chống tác hại của rượu, bia
Lực lượng Cảnh sát giao thông tiến hành đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông
Bài liên quan
Bộ Y tế đề xuất không được uống rượu, bia tại công viên, sân vận động
Từ 1/1/2020: Không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi
Quốc hội thông qua quy định "đã uống rượu bia thì không lái xe"
Không được uống và bán rượu, bia tại cơ sở vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi
Nửa triệu đồng cho dịch vụ đưa người say về nhà
Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 thế nhưng chỉ sau đó vài ngày, trên mạng xã hội đã xuất hiện dày đặc các thông tin dịch vụ nhận đón người say rượu bia về tận nhà. Tùy mức phí chi trả, người say sẽ được đưa về nhà bằng xe ôm hoặc taxi.
Đơn cử, những ngày vừa qua, một group có tên “Say gọi xế - Xế nhận say” xuất hiện trên mạng xã hội Facebook đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo người dân. Mặc dù nhóm mới hoạt động được ba ngày nhưng đã có hơn 2.000 lượt người quan tâm, theo dõi.
Giao diện Group “Say gọi xế - Xế nhận say” xuất hiện trên mạng xã hội Facebook |
Theo mô tả của quản trị viên, đây là nhóm kết nối giữa người vừa uống rượu bia và tài xế. Để tham gia nhóm, người dùng Facebook chỉ cần một vài thao tác cơ bản như đăng kí thành viên và trả lời một vài câu hỏi của ban quản trị nhóm. Sau khi được chấp nhận tham gia nhóm, người dùng có thể trải nghiệm dịch vụ.
Anh Đức Minh, một quản trị viên của nhóm cho biết, group sẽ hoạt động trên 3 kênh là Facebook, Telegram, Zalo và hiện ban quản trị cung cấp dịch vụ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Nha Trang. Tài xế tham gia vào nhóm sẽ phải cung cấp các giấy tờ đủ điều kiện điều khiển phương tiện.
"Nhóm ra đời với mục đích kết nối dịch vụ giữa người uống rượu cần tìm xế chở hoặc lái xe về và ngược lại. Khách uống rượu chỉ cần “nổ” thông tin địa chỉ, số điện thoại, tài xế nhận bình luận số điện thoại, bằng lái xe. Thông tin kết nối giữa hai bên sẽ được lưu lại trong group để xử lý nếu có phát sinh sự cố trong quá trình vận chuyển phương tiện và hành khách.
Hiện tại, mức phí cho dịch vụ đón và lái xe về cũng chưa được công khai nhưng dự kiến đối với xe máy là 300.000 đồng/lượt, còn với xe hơi là 500.000 đồng/lượt”, anh Đức Minh mô tả cách hoạt động
Mặc dù mới hoạt động được ba ngày nhưng Group đã thu hút hơn 2.000 lượt theo dõi |
Không quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội nhưng một vài quán nhậu trên địa bàn Hà Nội cũng có dịch vụ đưa người say về nhà, anh Nguyễn Sơn, tổng quản lý chuỗi nhà hàng Nhất Nướng (Hà Nội) cho biết: Mấy ngày qua, cửa hàng đã bố trí nhân viên đưa khách đã sử dụng rượu, bia về tận nhà khi có nhu cầu.
“Chúng tôi đã bố trí sẵn phương tiện và lực lượng nhân viên để phục vụ khách khi có nhu cầu. Từ khi Luật phòng chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực, số lượng khách say xỉn cần đưa về tăng hơn. Với những khách hàng quá chén, chúng tôi sẽ cho khách nghỉ ngơi 15 phút, cho uống nước, lau mặt, rồi cắt cử nhân viên đưa về. Bên tôi hoàn toàn miễn phí, không tính bảng giá dịch vụ, mà tính vào trách nhiệm của nhà hàng”, anh Sơn cho hay.
Cũng theo anh Sơn, nhà hàng còn bố trí khu vực để xe dành cho khách nếu khách say và muốn để xe lại, đồng thời cử nhân viên trông xe qua đêm. “Chúng tôi tập trung xe của khách tại một cơ sở, trông giữ 24/24, đảm bảo tài sản của khách”.
Thị trường máy đo nồng độ cồn “nóng” từng ngày
Song song với việc Luật phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ 1/1/2020, các mức phạt đối với các hành vi lái xe khi đã uống rượu cũng đồng loạt tăng ở toàn bộ các mức quy định và ở mức cao nhất (nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1L khí thở). Mức phạt tiền tối đa sẽ tăng từ 18 triệu đồng lên 40 triệu đồng và thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe cũng tăng từ 6 tháng lên 24 tháng.
Hầu hết ý kiến đều đồng tình rằng, quy định mới này sẽ nâng cao ý thức người dân, góp phần quan trọng làm thay đổi thói quen uống rượu, bia của nhiều người tham gia giao thông ở Việt Nam, đặc biệt là nam giới. Tuy vậy, quy định mới khiến rất nhiều người có tâm lý lo lắng bị xử phạt nặng dù trong nhiều trường hợp không phải cố tình vi phạm. Chính vì thế, hiện không ít người đã tìm biện pháp phòng tránh, đó là mua máy đo nồng độ cồn để chủ động tự kiểm tra cho mình trước khi tham gia giao thông.
Các loại máy đo nồng độ cồn được bán tràn lan trên mạng có giá từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng |
Trao đổi với phóng viên, anh Vũ Văn Duẩn ở quận Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Do đặc thù công việc phải đi ngoại giao, tiếp khách nhiều, lại là dịp cuối năm nên tôi khó tránh được việc dùng rượu bia. Việc thuê xe hay taxi đưa đón cũng khá bất tiện, nhất là khi tôi thường không uống nhiều, chỉ một, vài chén cho vui. Vì thế, tôi khá lo bị phạt nặng mỗi lần không may vi phạm như thế.
Sau một vài ngày tham khảo, tôi quyết định mua máy đo nồng độ cồn để tự kiểm tra mỗi khi đi tiếp rượu đối tác. Nếu vẫn ở ngưỡng cho phép, tôi sẽ vẫn tham gia lưu thông. Còn ngược lại, tôi sẽ tìm cách khác để tránh phạm luật".
Có lẽ cũng vì nhiều người có tâm lý, suy nghĩ như anh Duẩn nên mặt hàng này đang khá hút khách. Đáng nói, đây là loại máy chuyên dụng để đo nồng độ cồn nhưng được mua khá dễ dàng trên mạng và một số siêu thị điện máy với giá dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Xuất xứ của sản phẩm chủ yếu đến từ Hàn Quốc và Singapore với thời gian bảo hành 12 tháng cho máy và 6 tháng cho bộ cảm biến.
Chia sẻ về việc kinh doanh máy đo nồng độ cồn trong những ngày gần đây, một nhân viên kinh doanh của siêu thị Hải Minh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Trước kia, mỗi ngày chúng tôi chỉ bán được 1 đến 2 máy, thậm chí có ngày không bán được sản phẩm nào. Tuy nhiên, mấy hôm nay lượng người mua và hỏi mua tăng đột biến. Có ngày cửa hàng bán được gần hai chục sản phẩm. Khách đến mua hàng ngoài cá nhân thì các đơn vị kinh doanh vận tải cũng chủ động mua để thường xuyên kiểm tra lái xe của đơn vị mình, tránh tình trạng bị phạt nặng khi bị cảnh sát giao thông kiểm tra”.
Cũng theo lời nhân viên này, loại máy được nhiều người mua nhất là máy iblow10 của Hàn Quốc. Mẫu này có giá dưới 5 triệu đồng, cách sử dụng loại máy này cũng khá đơn giản và cho kết quả chính xác cao.
Khi được hỏi với mức giá khá cao, tại sao lại sẵn sàng bỏ tiền mua máy đo nồng độ cồn, anh Nguyễn Văn Thịnh ở phường Hà Cầu (Hà Đông, Hà Nội) vui vẻ giải thích: "Với mức phạt khá cao, lên đến 40 triệu đồng, cùng với việc bị tước giấy phép lái xe thì chỉ vi phạm một lần, tiền nộp phạt cũng đã vượt nhiều lần số tiền mua máy. Do đó, người dân chúng tôi quyết định mua máy đo nồng độ cồn để kiểm soát, an tâm khi tham gia giao thông”.
Có thể thấy rằng, ngay sau khi có hiệu lực, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã gây được hiệu ứng tốt trong dư luận. Các dịch vụ “ăn theo”hầu hết đều mang tính xây dựng. Tuy nhiên, để đem lại hiệu quả nhằm thay đổi thói quen uống rượu bia của nhiều người Việt, thì vấn đề cốt lõi vẫn là ý thức của người dân. Do vậy, mỗi người dân cần có trách nhiệm với chính bản thân, gia đình của mình và cả xã hội.