Hải Phòng: Nước thải sinh hoạt “tấn công” sông Rế
Các hộ dân sinh sống tại thị trấn An Dương, huyện An Dương xả nước sinh hoạt xuống sông Rế
Bài liên quan
Hải Phòng: Phải xây dựng lại Đề án phát triển đội ngũ luật sư
Hải Phòng: UBND xã Du Lễ phải bồi thường trên 1,1 tỷ đồng
Tập đoàn Vingroup đầu tư một tỷ USD xây dựng Công viên chủ đề tại Hải Phòng
Vụ lùm xùm tại Viện Quy hoạch Hải Phòng: Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố sẽ xử lý nghiêm
Hải Phòng: Đồng chí Đỗ Xuân Trịnh tái đắc cử Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy
Điểm xả thải tại khu chợ Cái Tắt, xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng |
Sông Rế là tuyến kênh trục chính của hệ thống thủy lợi An Kim Hải, có chiều dài 11,6km, xuất phát từ kênh trục An Kim Hải tại cống Hà Liên và kết thúc tại cống Cái Tắt (xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng). Nguồn nước sông Rế không chỉ có chức năng tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà còn cung cấp nước thô cho sản xuất nước sạch và phục vụ phòng chống thiên tai, lũ lụt, hạn hán…
Tuy nhiên một vài năm trở lại đây, nguồn nước sông Rế có nguy cơ bị ô nhiễm, nhiều chỉ tiêu sinh, hoá tăng cao, đặc biệt về mùa mưa như: Hữu cơ, amoni, nitrit, sắt… Đồng thời, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, một số thời điểm không đủ nguồn nước bổ cập cũng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.
Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi An Hải (Công ty Thuỷ lợi An Hải - đơn vị quản lý, khai thác, vận hành sông Rế): Hiện nay, tình trạng đáng lo là việc xả nước thải sinh hoạt của khu dân cư ra sông Rế. Chỉ tính riêng khu vực được giao quản lý, công ty đã thống kê được có 800 hộ dân sinh sống 2 bên bờ hằng ngày xả rác, nước thải trực tiếp xuống sông.
Một đoạn kênh đổ ra sông Rế bị ô nhiễm |
Ông Trần Quang Hoạt, Chủ tịch HĐQT Công ty thủy lợi An Hải, nhận định: "Khu vực nổi cộm nhất hiện nay là điểm xả nước thải sinh hoạt tại khu Quỳnh Hoàng (xã Nam Sơn) và thị trấn An Dương thuộc huyện An Dương".
Nói về biện pháp xử lý, ông Hoạt cho biết, công ty thường xuyên tăng cường thau đảo, tháo cống để lấy nước vào hệ thống, thực hiện nghiêm quy trình vận hành và đắp một số điểm chảy thẳng ra sông Rế để hạn chế gây ô nhiễm. Đồng thời, đơn vị phối hợp với một số địa phương lắp đặt máy bơm loại nhỏ để bơm tiêu nước thải có nguy cơ đổ xuống sông Rế. Dự kiến năm 2021, công ty sẽ lắp máy bơm loại nhỏ, công suất khoảng 100 khối/giờ để bơm nước đẩy về kênh qua xã Đồng Thái, xã An Đồng (huyện An Dương) đổ ra kênh Bạch Mai rồi tiêu ra cống Luồn.
Tuy nhiên, ông Bùi Thế Tiễn - Trưởng phòng Quản lý nước Công ty thủy lợi An Hải lại cho rằng: Việc đắp một số điểm xả thải rồi tiêu đi ra chỗ khác chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần phải xây dựng điểm xử lý nước thải tại các khu dân cư. Đồng thời, ông Tiễn thừa nhận, công ty chưa tiến hành lấy mẫu nước thải tại khu Quỳnh Hoàng (xã Nam Sơn) và thị trấn An Dương mà chỉ lấy mẫu tại một số điểm nước đầu nguồn vào, điển hình như: Nhà máy nước Vật Cách, khu công nghiệp Tràng Duệ, trạm bơm Quán Vĩnh, Bằng Lai (Hải Dương)… để kiểm tra mức độ ô nhiễm.
Công ty thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng đi kiểm tra các doanh nghiệp có hoạt động xả thải ra công trình thủy lợi. Chỉ tính riêng trong năm 2019, công ty đã phối hợp, kiểm tra 45 doanh nghiệp. Kết quả, có 1 doanh nghiệp vi phạm, bị thành phố xử phạt hành chính. Còn trong 6 tháng đầu năm 2020, do dịch Covid-19 nên thành phố không thành lập đoàn đi kiểm tra. Tuy nhiên, là đơn vị có chức năng quản lý sông Rế, công ty cũng tiến hành kiểm tra 15 doanh nghiệp và cơ bản đều chấp hành tốt.
Mặt khác, Công ty thủy lợi An Hải còn thuê Phòng Kiểm tra chất lượng (Công ty CP Cấp nước Hải Phòng) lấy mẫu để kiểm tra hằng ngày. Nếu phát hiện chỉ số nào vượt, công ty sẽ tiến hành thau đảo ngay để đảm bảo chất lượng nước. Do đó, các chỉ số đo được tại nguồn nước sông Rế không vượt quy chuẩn và đảm bảo chất lượng.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Trước đây, Viện Khoa học thủy lợi đề xuất Công ty thủy lợi An Hải xây dựng điểm xử lý nước thải tại làng nghề xã Tân Tiến. Tuy nhiên, do chưa làm bao giờ nên đơn vị này đã đề xuất Viện Khoa học thủy lợi tìm một doanh nghiệp có kinh nghiệm về lĩnh vực này để làm thí điểm. Nếu hiệu quả thì đơn vị sẽ đề xuất UBND TP Hải Phòng phê duyệt thêm một số điểm khác, ví dụ như điểm xử lý nước thải tại xã Nam Sơn.
Theo ông Cao Văn Quý, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Hải Phòng cho biết: “Nguồn nước sông Rế cung cấp nước thô cho hai nhà máy nước của công ty là Nhà máy nước An Dương (công suất 200.000m3/ngày) và Nhà máy nước Vật Cách 2 (công suất 20.000m3/ngày). Do đó, trong trường hợp nguồn nước sông Rế bị ô nhiễm, việc xử lý nước của công ty sẽ gặp nhiều khó khăn".
Cụ thể, công ty phải sử dụng nhiều chủng loại hóa chất để xử lý, liều lượng tăng cao dẫn đến cho phí sản xuất lớn. Đồng thời, Nhà máy nước An Dương được viện trợ của Chính phủ Nhật Bản một bể lọc sinh học BFC xử lý chất hữu cơ và hợp chất Nito, trong trường hợp ô nhiễm quá cao sẽ không vận hành được bể lọc này. Mặt khác, Nhà máy nước An Dương có công suất lớn, trong tình huống khẩn cấp, việc hỗ trợ từ các nhà máy khác chỉ đáp ứng được một phần sẽ gây khó khăn lớn cho việc cấp nước sạch cho thành phố.
Ngoài ra, ông Quý cũng chỉ ra một số khu vực có khả năng gây ô nhiễm cho nguồn nước sông Rế như: Kênh Bắc Nam Hùng (bao gồm nước thải tại các xã Bắc Sơn, Nam Sơn, phường Hùng Vương); Kênh nhánh An Kim Hải, nước thải tại các xã An Đồng, Lê Lợi, Đặng Cương; Các hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ sông và một số kênh thoát nước thải từ các khu dân cư của xã Nam Sơn, An Đồng, thị trấn An Dương; Các nghĩa trang, nghĩa địa gần bờ sông tại phường Hùng Vương và các xã Lê Lợi, Tân Tiến, Lê Thiện thuộc huyện An Dương cũng đang ngày đêm xả nước thải gây ô nhiễm cho nguồn nước Sông Rế.
"Theo chúng tôi để bảo vệ môi trường an toàn, bền vững cho các con sông nước ngọt của thành phố nói chung và sông Rế nói riêng, các cơ quan chức năng và UBND TP Hải Phòng cần sớm có giải pháp xử lý tổng thể, ngăn chặn các nguồn thải có khả năng gây ô nhiễm môi trường nước, không khí. Đặc biệt, thành phố phải tính tới việc xây dựng các công trình thu gom, xử lý triệt để 100% nguồn nước thải từ các khu dân cư, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra môi trường. Đây cũng là những tiêu chí cần và đủ để Hải Phòng trở thành một thành phố thông minh, văn minh, hiện đại vào năm 2025 - 2030 như Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đề ra", ông Cao Văn Quý, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Hải Phòng nói.