Hà Nội xử phạt hơn 4.400 tỷ đồng liên quan đến hàng lậu, gian lận thương mại
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa dịp trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng
Bài liên quan
Xử lý hình sự hàng chục nghìn vụ buôn bán hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại
Chủ động ngăn ngừa phòng chống buôn lậu dịp cuối năm
Không có “vùng cấm” trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Lãnh đạo địa phương liệu có bảo kê, buông lỏng tội phạm?
Xử lý 31.246 vụ vi phạm
Theo Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, trong năm 2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm lớn về ma túy, động vật hoang dã, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu…; đánh trúng, đánh đúng nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, hàng cấm, hàng giả với số lượng lớn.
Cụ thể, các đơn vị chức năng đã xử lý 31.246 vụ; khởi tố hình sự 113 vụ đối với 141 đối tượng. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu là 4.466, 3 tỷ đồng.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo 389 thành phố nhận định: Dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp. Do vậy, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần có những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực và quyết liệt hơn.
Trước mắt, các đơn vị chức năng cần tập trung thực hiện kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 trên địa bàn thành phố. Cùng với đó là tăng cường các biện pháp phòng, chống sản xuất, vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại pháo trên địa bàn thành phố; Tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền phường, quận, huyện.
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa dịp trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng |
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn cũng đề nghị, các sở, ngành tăng cường đưa việc phổ biến pháp luật về sự nguy hại của việc buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thành một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tuyên truyền.
Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng thuộc Hà Nội, giữa các lực lượng chức năng Hà Nội với lực lượng chức năng trung ương và các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt là các tỉnh biên giới để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Kiên quyết loại bỏ cán bộ quản lý thị trường tiếp tay buôn lậu
Theo Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) năm 2019, cơ quan này đã phát hiện, xử lý trên 90.000 vụ vi phạm, ước thu nộp ngân sách gần 670 tỷ đồng. Trong đó, đã thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng, giá trị hàng hóa tịch thu chưa bán trên 170 tỷ đồng (tăng gần 180 tỷ đồng so với năm 2018), giá trị hàng hóa, tang vật vi phạm bị tiêu hủy trên 120 tỷ đồng.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, năm 2019, lực lượng quản lý thị trường đã tấn công được vào nhiều điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được.
Trong đó, có một số vụ việc nổi bật như: Hai Trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái, Quảng Ninh; kiểm tra, xử lý các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội và tại TPHCM; kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, các kho, cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới, thay đổi tem nhãn thành "made in Việt Nam"; vụ việc kiểm tra, xử lý 3.108 chai rượu nhập lậu tại tỉnh Quảng Bình...
Nhằm chấn chỉnh các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu ngành chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, đấu tranh đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; Quyết tâm ngăn chặn tham nhũng, không để người dân bức xúc, giảm sút lòng tin vào lực lượng quản lý thị trường; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại.
Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới từng hộ kinh doanh về tác hại của các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu...; tập trung sửa đổi bổ sung một số quy định pháp luật còn thiếu, đề xuất tăng mạnh chế tài xử phạt hành chính để bảo đảm tính răn đe.
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan xem xét, tháo gỡ khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường và lực lượng liên ngành để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.