Tag

Hà Nội thu hút doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Nông thôn mới 25/02/2020 06:41
aa
TTTĐ – Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Nhờ đó, nhiều mô hình trồng hoa, rau trong nhà màng, nhà kính mang lại giá trị kinh tế cao.

Hà Nội thu hút doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân

Bài liên quan

Kiểm tra công tác sản xuất nông nghiệp và phòng chống dịch bệnh tại Thạch Thất

Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ xuân, tăng cường phòng chống dịch

Thạch Thất: Hỗ trợ người dân trồng và chăm sóc cây khoai tây vụ Xuân

Sau hai đợt xả nước, Hà Nội vẫn chưa lấy đủ nước gieo cấy

Tận dụng tối đa nguồn nước bổ sung từ các hồ thủy điện để gieo cấy

164 mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Hà Nội là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thống kê đến nay, toàn thành phố đã có 164 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, có 109 mô hình trồng trọt, 40 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình nuôi trồng thủy sản. Hà Nội cũng đã có doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nấm.

Đặc biệt, giá trị từ nông nghiệp công nghệ cao hiện chiếm khoảng 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Trong đó, có nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như trồng rau hữu cơ cho thu nhập từ 2 - 3 tỷ đồng/ha/năm, trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập từ 0,5 - 2 tỷ đồng/ha/năm.

Đơn cử, Hợp tác xã Hoa, cây cảnh Thụy Hương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là một minh chứng rõ nét về sự chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất truyền thống sang mô hình công nghệ cao. Giám đốc Hợp tác xã Hoa, cây cảnh Thụy Hương Nguyễn Duy Năm cho biết: Hiện nay, hợp tác xã có hơn 10ha trồng các loại hoa, cây cảnh, trong đó lan hồ điệp là loài hoa chủ lực với 90.000 cây được bán ra thị trường mỗi năm.

Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân
Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người chơi hoa Hà Nội, hợp tác xã đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cụ thể là xây dựng hệ thống nhà kính, nhà lưới rộng hơn 1.000m2; lắp đặt hệ thống điều hòa, máy điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng để hoa nở vào đúng dịp lễ, Tết. Nhờ đó, mô hình đã mang lại thu nhập cho hợp tác xã từ 1,8 đến 2 tỷ đồng/năm/ha. Trước đây cũng vùng đất này, nông dân trồng lúa, hoa màu cho thu nhập chỉ khoảng 100-150 triệu đồng/ha/năm.

Có thể nhận định rằng, trong những năm qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã có sự phát triển đáng ghi nhận nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, tăng trưởng nông nghiệp chưa cao. Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều bất cập. Công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất vẫn hạn chế... Do vậy, Hà Nội chưa có nhiều mặt hàng nông sản mang thương hiệu lớn, vững vàng trên thị trường quốc tế.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Toàn thành phố mới chỉ có gần 1.500ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp lên đến 150.000ha. Nguyên nhân là do vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng rất lớn, doanh nghiệp chưa mặn mà để đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Mặt khác, nông dân cũng chưa quen với việc sử dụng công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp.

Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp

Nhằm hướng tới phát triển một nền nông nghiệp bền vững, những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút cộng đồng doanh nghiệp tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn. Đến nay, toàn thành phố đã xây dựng và phát triển 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong các nhóm lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản. Bên cạnh đó là 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật. 40 nông sản đã được cấp nhãn hiệu bảo hộ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho hay, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Hà Nội đã quy hoạch 9 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hệ thống các khu kinh tế hỗ trợ tại huyện Hoài Đức (300ha), quận Hà Đông (76ha), vùng ven bãi sông Hồng huyện Mê Linh (105ha), huyện Đan Phượng 33ha (xã Song Phượng, xã Đồng Tháp), huyện Phúc Thọ (200ha), huyện Sóc Sơn (70ha), huyện Ba Vì (300ha), thị xã Sơn Tây (80ha).

Đồng chí Chu Phú Mỹ cũng nhấn mạnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp tích cực với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội và Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ tối đa về cơ chế, chính sách, cách làm, để các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp. Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2020 tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, trong đó sẽ có 600ha trồng rau, hoa, 460ha trồng cây ăn quả...

Hà Nội đang đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Hà Nội đang đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Theo ông Chu Phú Mỹ, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn, đất đai thì nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt. Vì vậy, các trường đại học, viện nghiên cứu cần đổi mới đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận các công nghệ mới theo xu thế; tạo ra các công nghệ mới có tính ứng dụng cao phục vụ nông nghiệp công nghệ cao.

Đặc biệt, trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chủ trương của Hà Nội là hạn chế hỗ trợ trực tiếp bằng tiền. Thay vào đó, sẽ chú trọng tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, trong đó, có tích tụ ruộng đất. Đây cũng là vấn đề này đang được Chính phủ, các bộ ngành quan tâm. Trên cơ sở Nghị định số 01/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Thông tư số 19/TT-BNNPTNT về quản lý sử dụng đất trồng lúa và hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm. Đây là cơ sở thuận lợi để Hà Nội triển khai quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ hoàn thiện đề án thí điểm tích tụ đất đai, trình UBND thành phố xem xét, cho ý kiến. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa nông hộ, các hợp tác xã và doanh nghiệp trong thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, bảo đảm quyền và lợi ích hài hoà cho các bên tham gia.

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là một giải pháp cấp bách để bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao chất lượng nông sản. Việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp còn góp phần giảm thiểu công lao động, giảm thất thoát do thiên tai, sâu bệnh, lại an toàn với môi trường, tiết kiệm chi phí trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Vì thế, làm tốt nhiệm vụ này sẽ là đòn bẩy thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững ở tất cả các địa phương.

Trang thông tin có sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội

Đọc thêm

Duy trì lực lượng ứng cứu nhanh, sẵn sàng cơ động khi cần thiết Nông thôn mới

Duy trì lực lượng ứng cứu nhanh, sẵn sàng cơ động khi cần thiết

TTTĐ - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội yêu cầu các đơn vị, lực lượng tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó đối với những tình huống xấu có thể xảy ra.
Ban hành Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa Nông thôn mới

Ban hành Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa

TTTĐ - Ngày 11/9, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa. Trong đó nêu rõ chính sách hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa; đầu tư, hỗ trợ đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
Hội Nông dân Việt Nam tặng quà tại "rốn lũ" xã Nam Phương Tiến Nông thôn mới

Hội Nông dân Việt Nam tặng quà tại "rốn lũ" xã Nam Phương Tiến

TTTĐ - Ngày 11/9, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm tới thăm, tặng quà, hỗ trợ người dân xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Không để thiếu hụt rau xanh, hàng hóa phục vụ người dân Thủ đô Nông thôn mới

Không để thiếu hụt rau xanh, hàng hóa phục vụ người dân Thủ đô

TTTĐ - Ngay sau khi cơn bão số 3 (YAGI) đi qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc liên tục xảy ra mưa lớn, nước lũ tại các sông cũng dâng cao khiến cuộc sống của nhiều người dân bị ảnh hưởng. Song, với quyết tâm không để người dân nào bị đói, bị rét, không để ai bị bỏ lại phía sau, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị kịp thời triển khai biện pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa, báo cáo ngay khi xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến.
Bài 3: Sau bão lũ, ngành Nông nghiệp cần "liều thuốc đặc biệt" Nông thôn mới

Bài 3: Sau bão lũ, ngành Nông nghiệp cần "liều thuốc đặc biệt"

TTTĐ - Các chuyên gia cho rằng, sau bão lũ nặng nề, để phục hồi sản xuất có hiệu quả, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển cây trồng vụ đông. Trong các chính sách hỗ trợ, ngành cần chú trọng giống, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí làm đất theo hướng sản xuất hàng hoá.
Bước đột phá trong mô hình 1 triệu ha lúa chất lượng cao Nhịp sống phương Nam

Bước đột phá trong mô hình 1 triệu ha lúa chất lượng cao

TTTĐ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt Kế hoạch thực hiện các mô hình thí điểm trong Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp” tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm hướng tới tăng trưởng xanh đến năm 2030. Trong đó, 7 mô hình thí điểm đã được triển khai tại các tỉnh Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Đồng Tháp.
Khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống cho hội viên nông dân Kinh tế

Khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống cho hội viên nông dân

TTTĐ - Trước những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, Hội nông dân thành phố Hà Nội đã nhanh chóng chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội nông dân triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với những thiệt hại và khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống cho hội viên nông dân.
Đồng hành, hỗ trợ hội viên nông dân khắc phục hậu quả mưa bão Nông thôn mới

Đồng hành, hỗ trợ hội viên nông dân khắc phục hậu quả mưa bão

TTTĐ - Sáng 10/9, đồng chí Phạm Hải Hoa, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã đến thăm và động viên một số hộ hội viên nông dân bị ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 3 gây ra tại thị xã Sơn Tây và huyện Đan Phượng.
Bài 2: Huy động các nguồn lực, nhanh chóng phục hồi sản xuất Nông thôn mới

Bài 2: Huy động các nguồn lực, nhanh chóng phục hồi sản xuất

TTTĐ - Tại các địa phương của Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân đang tập trung các nguồn lực nhằm hồi phục sản xuất nông nghiệp sau ảnh hưởng cơn bão số 3. Không khí hăng hái, nhiệt tình theo phương châm "4 tại chỗ" đã được Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài quán triệt.
Long An: Mở đường, xây cầu, nâng cấp diện mạo nông thôn Nông thôn mới

Long An: Mở đường, xây cầu, nâng cấp diện mạo nông thôn

TTTĐ - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An đã ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 với 18 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó công tác giao thông vận tải được xác định là lĩnh vực hết sức quan trọng “đi trước mở đường”.
Xem thêm