Hà Nội: Tạo mọi điều kiện để người lao động yên tâm làm việc
Bảo đảm việc làm cho người lao động
Do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19, nhiều người lao động gặp khó khăn về việc làm, thu nhập, nhất là vào thời điểm cuối năm. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng thành phố triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm việc làm, giữ ổn định về đời sống cho người lao động, tạo điều kiện để họ yên tâm làm việc.
Theo đó, trong quý IV/2021, các cơ quan, đơn vị chức năng của thành phố liên tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm theo hình thức trực tuyến, trực tiếp tại thị trường Hà Nội, đồng thời kết nối với một số tỉnh, thành phố khác.
Bà Nguyễn Ngọc Thúy, Phó Chánh Văn phòng (Liên hiệp hợp tác xã Ocop Việt Nam) cho hay: “Dịp cuối năm, đơn vị có nhu cầu tuyển hàng chục nhân sự cho công việc bán hàng, kinh doanh... Để tiếp cận với nguồn cung, từ tháng 10/2021 đến nay, chúng tôi đã tham gia nhiều phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Hà Nội tổ chức".
Cùng với việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho người lao động, thời gian qua, các sở, ngành của thành phố Hà Nội đã chú trọng triển khai cho vay vốn để người lao động tự sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, nguồn vốn vay ưu đãi dành cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã trở thành điểm tựa của nhiều người, gia đình trong giai đoạn khó khăn.
Với phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”, các cấp công đoàn Thủ đô sẽ huy động mọi nguồn lực tập trung chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động |
Vui mừng khi được tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ người lao động, anh Nà Văn Tình, thôn Cả, xã Phù Ninh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) phấn khởi cho biết: “Nhờ khoản vay ưu đãi, gia đình tôi đã khôi phục hoạt động xưởng gỗ, mua thêm nguyên liệu, gọi thợ về làm việc, mỗi ngày mang lại thu nhập khoảng 300.000 đến 400.000 đồng. Với đà phục hồi này, tôi tin khó khăn sẽ dần lùi xa”.
Theo thống kê, từ cuối tháng 9/2021 đến nay, Hà Nội có 10.388 lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch COVID-19 được vay vốn tạo việc làm với số tiền 500 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hà Nội còn triển khai nhiều giải pháp khác nhằm giải quyết việc làm cho người lao động như đào tạo nghề, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho vùng xa trung tâm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong quý IV, mỗi tháng Hà Nội giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động, nâng tổng số người được giải quyết việc làm năm 2021 ước đạt gần 200.000 người, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch là 160.000 người).
Không chỉ quan tâm tạo việc làm, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội còn bảo đảm đời sống cho người lao động bằng những hành động, việc làm thiết thực. Nổi bật là, việc triển khai các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Trong đó, chính sách hỗ trợ tiền mặt cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được triển khai từ đầu tháng 10/2021 đến nay đã có gần 1,64 triệu người lao động thụ hưởng, với tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.
Để người lao động nào cũng có Tết
Cùng với việc quan tâm, hỗ trợ việc làm cho người lao động, nhiều doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động hiện đang nỗ lực xoay xở tìm nguồn tiền để bảo đảm chế độ thưởng Tết cho công nhân viên, người lao động.
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần, bà Vũ Thị Hạnh, Trưởng phòng Hành chính nhân sự, Công ty cổ phần Đầu tư công nghiệp Thuận Phát (quận Đống Đa) cho biết, dù chưa có kế hoạch cụ thể về mức thưởng, nhưng công ty cố gắng duy trì chế độ thưởng Tết cho người lao động, góp phần động viên họ yên tâm gắn bó với công việc.
Các cơ quan chức năng, các địa phương trên địa bàn Hà Nội cũng có nhiều chương trình, hoạt động chăm lo đời sống cho người dân, người lao động |
Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng, qua nắm bắt từ hệ thống công đoàn cơ sở, đến thời điểm này, chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào thông báo chính thức tiền thưởng Tết cho người lao động. Tuy nhiên, việc chăm lo tiền lương, tiền thưởng Tết năm 2022 là một trong những hoạt động trọng tâm của Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội từ nay đến cuối năm.
Theo đó, đơn vị đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở chủ động tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch trả lương, thưởng, các khoản phúc lợi khác trong dịp Tết, sớm công khai để người lao động biết.
Về vấn đề này, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, với phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”, các cấp công đoàn Thủ đô sẽ huy động mọi nguồn lực tập trung chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động.
Liên đoàn Lao động thành phố sẽ thăm hỏi, trao 10.000 suất quà (1 triệu đồng/suất) đến đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ mức 300.000 đồng/người với lao động có đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn… đồng thời tổ chức chương trình “Hỗ trợ phương tiện đưa đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết”…
Có thể thấy rằng, các cơ quan chức năng, các địa phương trên địa bàn Hà Nội cũng có nhiều chương trình, hoạt động chăm lo đời sống cho người dân, người lao động. “Đó là những minh chứng rõ nhất để khẳng định, dù gặp nhiều khó khăn, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội luôn đồng hành, sát cánh với người lao động, góp phần giúp họ có việc làm, ổn định đời sống.
Từ những kết quả hiện hữu, dự kiến, tỷ lệ thất nghiệp thành thị năm 2021 của Hà Nội duy trì ở mức dưới 4%, đạt mục tiêu HĐND thành phố đề ra”, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho biết.