Hà Nội: Quản lý thị trường khẩn trương công tác kiểm soát, chống đầu cơ, găm hàng
Hà Nội: Hàng hóa đủ dùng trong 3 tháng, người dân không nên đổ xô đi mua tích trữ |
Theo Công điện số 15/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước. Ngay từ chiều 18/7, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã yêu cầu Đội trưởng các Đội Quản lý thị trường khẩn trương tăng cường kiểm tra, kiểm soát để bình ổn thị trường hàng hóa.
Trong đó, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội yêu cầu các Đội tiếp tục thực hiện các chỉ thị, công điện của của Bộ Công thương, UBND TP Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường về việc tăng cường công tác quản lý thị trường, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép; phối hợp công tác bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19 theo chức năng nhiệm vụ, địa bàn và lĩnh vực được giao.
Đồng thời, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả thị trường hàng hóa, dịch vụ; chủ động phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý về giá, kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng phải thực hiện kê khai giả, niêm yết giá; chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhất là đối với hàng hóa thiết yếu, trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh Covid-19.
"Tránh để xảy ra những biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân trên địa bàn thành phố", Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội yêu cầu.
Lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, tăng giá bất hợp lý |
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng thực hiện phối hợp các cơ quan địa phương kiểm tra, kiểm soát và xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành các chỉ thị, công điện và quy định của TP Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phúc tạp của dịch bệnh.
Trước đó, chiều 18/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 15/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước.
Ngay sau khi quyết định được ban hành, ở Hà Nội đã có hiện tượng người dân đến một số siêu thị, cửa hàng để mua sắm, tích trữ hàng hoá, lương thực, thực phẩm.
Theo Bộ Công thương, TP Hà Nội đã đảm bảo dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong các tình huống có thể xảy ra.
Hiện nay, các doanh nghiệp phân phối đã chủ động nguồn cung hàng hóa tăng từ 3 đến 5 lần tại các kho hàng và tại các kho ở siêu thị, sẵn sàng cung ứng cho người tiêu dùng Thủ đô.
Các siêu thị và nhà sản xuất cũng cam kết không tăng giá bán vào thời điểm này, không để đứt gãy, thiếu hàng hoá, nhất là đồ thiết yếu cho người dân.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp, hiện tại các đơn vị đã dự trữ tăng từ 30%-50% lượng hàng hóa thiết yếu, đồng thời, để lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp đã bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu của người dân.
Thậm chí, các hệ thống phân phối sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán xuyên đêm. Doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa thêm giờ, cam kết đảm bảo đủ lượng hàng phục vụ nhu cầu người dân tăng cao.
Hiện nay các doanh nghiệp đang thực hiện dự trữ hàng hóa theo phương án 5 (phương án dự trữ hàng cao nhất) của Sở Công thương Hà Nội trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (15 mặt hàng thiết yếu) và lượng hàng hóa dự trữ cho chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nguồn cung dồi dào, Bộ Công thương khuyến cáo người dân yên tâm không tích trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đông người đến các hệ thống phân phối nhằm tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Hiện, Bộ Công thương đang tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội, chỉ đạo Sở Công thương Hà Nội cũng như các doanh nghiệp, các nhà phân phối lớn đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.