Hà Nội: Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực tư pháp
Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực tư ph |
Tính đến 31/8, Hà Nội đã cung ứng 1.671 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Thành phố đang từng bước xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; bảo đảm kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia; phấn đấu 50% các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Cùng với đó, Hà Nội bảo đảm hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng ổn định, an toàn, bảo mật thông tin phục vụ hoạt động ứng dụng công nghê thông tin (CNTT) trong các cơ quan hành chính. Thành phố phấn đấu rút ngắn từ 30 - 50% thời gian họp, giảm đến mức thấp nhất việc sử dụng tài liệu giấy thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử. Trong đó, 90% các cuộc họp của UBND TP với các sở, ban, ngành, quận, huyện và cấp xã thực hiện trực tuyến; 80% các cuộc họp giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đến cấp xã thực hiện trực tuyến.
Hà Nội cũng từng bước phấn đấu hoàn thiện, duy trì 100% DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó tối thiểu 35% DVC trực tuyến mức độ 4... Phấn đấu tích hợp toàn bộ các thông tin thủ tục hành chính (TTHC), DVC vào một cổng thông tin để người dân sử dụng mọi lúc, mọi nơi.
Mới đây, Sở Tư pháp Hà Nội đã có thông báo về việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực Tư pháp. Theo đó, Hà Nội chính thức đưa vào vận hành 71 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực Tư pháp trên địa bàn TP.
Cụ thể, danh mục 71 thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp, UBND cấp huyện, UBND cấp xã được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến như sau:
Cấp xã có 8 thủ tục gồm: đăng ký lại khai tử; thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch; đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân; đăng ký lại khai sinh; đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con; đăng ký nhận cha, mẹ, con; đăng ký nuôi con nuôi trong nước; đăng ký lại việc nuôi con nuôi.
Cấp huyện có 15 thủ tục gồm: đăng ký lại khai sinh có yếu tố nước ngoài; thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc; đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân; đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài; đăng ký chấm dứt giám hộ có yếu tố nước ngoài; chứng thực chữ ký người mà người dịch không phải là cộng tác viên dịch thuật của phòng Tư pháp; chứng thực chữ ký người dịch mà người dịch là cộng tác viên dịch thuật của phòng Tư pháp; sửa lỗi sai sót trong hợp đồng giao dịch; chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận.
Cấp Sở có 48 thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến. Đơn cử như các thủ tục: đăng ký lại việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của văn phòng công chứng; thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của trung tâm tư vấn pháp luật, chi nhánh trung tâm tư vấn pháp luật; đăng ký hoạt động của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản; cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư đối với những trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư quy định tại các điểm g, h và I khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư; đăng ký tập sự hành nghề công chứng với trường hợp người tập sự thay đổi nơi tập sự sang tổ chức hành nghề công chứng tại tỉnh, TP trực thuộc Trung ương khác…
Sở Tư pháp đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã tổ chức việc thông tin, tuyên truyền và thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ trực tuyến trên cổng Dịch vụ công Thành phố, Hệ thống Một cửa điện tử Thành phố đối với các thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, cấp xã.
Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, các phòng chuyên môn thuộc Sở tổ chức thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến trên cổng Dịch vụ công Thành phố, Hệ thống Một cửa điện tử Thành phố đối với các thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.
Văn phòng Sở, Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Báo Pháp luật và xã hội chủ động tuyên truyền, cung cấp thông tin, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia khai thác, sử dụng Dịch vụ công trực tuyến khi làm TTHC.
So với mục tiêu, yêu cầu ngày càng cao của hội nhập cũng như đòi hỏi của công tác quản lý, việc chủ động tiếp cận dịch vụ công trực tuyến chưa thực sự rộng khắp. Để thúc đẩy người dân sử dụng các DVC trực tuyến tốt hơn, Hà Nội đang tiếp tục khắc phục những bất cập, tránh tình trạng người dân khi sử dụng DVC trực tuyến nhưng vẫn phải đến bộ phận "một cửa" UBND các cấp, sở, ngành nhất là ngành tư pháp để trực tiếp thực hiện một công đoạn nào đó.
UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị, địa phương bên cạnh việc chú trọng công tác bảo mật, tổ chức xây dựng đề án ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn nữa thì phải đổi mới hình thức tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Các hình thức thông tin tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 dùng chung phải tiếp cận đến 100% hộ gia đình trên địa bàn Hà Nội...
* “Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020”. |