Hà Nội lên phương án ứng phó rét đậm, rét hại dịp Tết Nguyên đán
Bắc Bộ rét đậm trong dịp Tết Bắc Bộ rét về đêm và sáng Bắc Bộ rét đậm, vùng núi có mưa dông Bắc Bộ và Trung Bộ duy trì rét đậm |
Chủ động, sẵn sàng trước mọi tình huống
Những ngày cuối năm Tân Sửu và dịp Tết Nhâm Dần, Hà Nội và các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ xảy ra mưa dông, rét đậm, rét hại. Để người dân đón Tết an toàn, cơ quan phòng, chống thiên tai Hà Nội đề nghị các địa phương chủ động triển khai biện pháp ứng phó.
Cụ thể, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, đêm nay và sáng mai, Hà Nội nhiều mây, mưa nhỏ, mưa phùn rải rác và sương mù nhẹ; Trưa và chiều mai giảm mây, trời nắng; Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ C, cao nhất 25-27 độ C.
Về diễn biến của không khí lạnh, khoảng ngày 29/1 (tức 27 tháng Chạp năm Tân Sửu), bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến Hà Nội. Kết hợp với hội tụ gió trên cao, Hà Nội có mưa, mưa rào từ chiều tối 28 đến ngày 29/1; Rét đậm, rét hại từ đêm 29/1 với nhiệt độ thấp nhất 11-13 độ C.
Đặc biệt, do không khí lạnh liên tục được bổ sung, kết hợp dòng xiết gió Tây trên cao hoạt động mạnh nên từ ngày 30/1 đến 4/2/2022 (tức từ ngày 28 tháng Chạp năm Tân Sửu đến mùng 4 Tết Nhâm Dần), Hà Nội rét đậm, rét hại trên diện rộng; Nhiệt độ thấp nhất tại khu vực nội thành 10-12 độ C, ngoại thành 9-11 độ C, riêng vùng núi huyện Ba Vì 8-10 độ C.
Hà Nội mưa, rét đậm dịp giáp Tết Nguyên đán |
Cũng do ảnh hưởng của không khí lạnh nên từ đêm 29/1, các nơi khác thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ rét đậm, rét hại; Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến 10-13 độ C, vùng núi 7-10 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C và có khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết; Khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến 11-14 độ C.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh liên tục được bổ sung nên từ ngày 31/1 đến 3/2, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục xảy ra rét đậm, rét hại trên diện rộng, vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết…
Trước diễn biến thời tiết nêu trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho người dân chủ động phòng tránh rét đậm, rét hại. Đồng thời triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho người, cây trồng, vật nuôi; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó với rét đậm, rét hại để giảm thiệt hại.
Các địa phương cần theo dõi sát tình hình thời tiết
Liên quan đến công tác ứng phó với tình hình thời tiết rét đậm, rét hại, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã có công điện đề nghị các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang chủ động triển khai phương án ứng phó rét đậm, rét hại, mưa tuyết, băng giá, gió mạnh trên đất liền và trên biển.
Công điện nêu rõ: Nhằm chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, dông lốc, mưa đá, băng giá, mưa tuyết, sương mù và vùng áp thấp trên Biển Đông, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, Nhân dân chủ động phòng tránh rét đậm, rét hại, sương mù, băng giá, mưa tuyết, mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể xảy ra trong những ngày tới.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh liên tục được bổ sung nên từ ngày 31/1 đến 3/2, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục xảy ra rét đậm, rét hại trên diện rộng (Ảnh minh họa. |
Các đơn vị chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là chuẩn bị phương tiện, vật tư (vải bạt, tấm lợp các loại) và lực lượng xung kích tại cơ sở sẵn sàng huy động giúp dân khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và đón tết được an toàn, đề phòng tình huống tương tự dịp Tết Canh Tý năm 2020.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các biện pháp an toàn cho người, cây trồng và vật nuôi, đặc biệt là đối với vùng núi cao có khả năng nhiệt độ xuống thấp. Đồng thời chủ động thông báo, hướng dẫn cho khách vãng lai, khách du lịch trong dịp Tết; Cắm biển cảnh báo trên các tuyến đường có khả năng xảy ra sương mù, băng giá, mưa tuyết, trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Đối với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển cần theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của vùng áp thấp và gió Đông Bắc, sương mù; Thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Duy trì thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện và thuyền trưởng các tàu, thuyền; Chỉ đạo các tổ đội đánh bắt trên biển duy trì liên lạc và hỗ trợ nhau khi có sự cố; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.