Hà Nội: Đề nghị điều tra làm rõ hành vi đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước mặt sông Đà
Bùn đất ngậm dầu, đen kịt và bóng nhẫy nghi bị đổ trộm dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước sông Đà cấp cho Hà Nội
Bài liên quan
Hà Nội hỗ trợ nước sạch miễn phí 24/24h cho các hộ dân bị ảnh hưởng
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo đời sống người dân quanh khu xử lý chất thải Nam Sơn
Hà Nội giữ bản sắc riêng từ hàng nghìn “bông hoa” người tốt, việc tốt
Hà Nội đẩy mạnh hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp sạch
Văn bản của UBND TP Hà Nội nêu, từ 9 giờ sáng 10/10, nhận được thông tin phản ánh của người dân qua đường dây nóng của UBND thành phố Hà Nội phản ánh việc một số khu vực thuộc quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai… có hiện tượng nguồn nước sạch của Công cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà - Viwasupco cung cấp từ Nhà máy nước mặt sông Đà (Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông là các đơn vị phân phối) cho người dân khu vực phía Tây thành phố Hà Nội có mùi khét, nồng nặc, có váng dầu.
Ngay sau khi nhận được các thông tin phản ánh, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo thành lập tổ công tác kiểm tra, xác minh nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước mặt sông Đà. Kết quả kiểm tra xác minh như sau:
Tại khu vực đầu nguồn có xe tải chở dầu nhớt thải đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, sau đó dầu lan ra suối và vào hồ Đầm Bài (hồ cấp nước cho Nhà máy). Hiện tượng mặt nước hồ có váng là có thật và xâm nhập vào nguồn nước của Nhà máy nước mặt sông Đà. Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng nước cấp cho người dân khu vực phía Tây thành phố Hà Nội có mùi khét, nồng nặc, có váng dầu. Toàn bộ Nhà máy và lưu vực nguồn nước thô cung cấp cho Nhà máy thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình.
Để đảm bảo an toàn nguồn nước sông Đà, UBND thành phố Hà Nội đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Công cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà và các Sở, ngành liên quan của tỉnh Hòa Bình khoanh vùng bảo vệ nguồn nước sạch cung cấp cho Nhà máy nước sạch sông Đà, trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở đó chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm việc xả thải gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là khu vực bảo vệ nguồn nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đà.
Đồng thời, tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh tổ chức điều tra làm rõ hành vi đổ trộm chất dầu thải tại khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn cũng như hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà khi biết rõ có sự ô nhiễm từ nguồn dầu thải đã không có hành vi ngăn chặn kịp thời dẫn đến sự cố ô nhiễm toàn bộ hệ thống cung cấp nước cung cấp cho người dân tại quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Dầu lan ra suối và vào hồ Đầm Bài - nơi cấp nguồn nước cho nhà máy nước sông Đà |
Trả lời câu hỏi của PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về việc đối tượng đổ trộm dầu thải, gây ô nhiễm nguồn nước sẽ bị xử lý như thế nào? Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: “Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và phải căn cứ vào những kết quả này mới có thể đánh giá một cách đầy đủ về sự việc. Tuy nhiên, nếu thông tin người dân cung cấp là đúng và được chứng minh thì hành vi đổ trộm dầu thải (nếu có) sẽ phải đối diện với mức xử lý nghiêm khắc của pháp luật.
Hành vi xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân mà còn là hành vi bất hợp pháp và tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự.
Theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội gây ô nhiễm môi trường đã nâng mức phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng và nâng mức phạt tù từ 1 - 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì có thể bị phạt tiền từ 1 - 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm.
Đặc biệt, đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này bị phạt tiền từ 1 - 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp phải có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu; Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức; Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính”.