Hà Nội đảm bảo cung ứng hàng hóa dịp Tết Nguyên đán
Dồi dào hàng hóa cung ứng dịp Tết
Trong dịp Tết, các mặt hàng thiết yếu luôn là những sản phẩm được tiêu thụ mạnh. Do đó, đến thời điểm này, các doanh nghiệp cũng như các siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng để cung ứng kịp thời phục vụ cho người tiêu dùng.
Trứng là một trong những mặt hàng bình ổn giá, có nhu cầu tiêu dùng rất cao trong dịp Tết, do đó nhiều doanh nghiệp đã đưa kế hoạch tăng cung cho mặt hàng này như Công ty Ba Huân là một ví dụ điển hình.
Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân cho biết, dịp Tết Tân Sửu 2021, ngoài tăng cường thêm số lượng thực phẩm chế biến, Ba Huân sẽ cung cấp cho thị trường hơn một triệu quả trứng gia cầm cho chương trình bình ổn thị trường.
Người dân mua sắm tại siêu thị Co.op Mart |
“Để tăng sức cạnh tranh và phục vụ tốt nhất người tiêu dùng, năm nay, Công ty Ba Huân tiếp tục mở rộng mạng lưới bán hàng bình ổn giá, đồng thời đưa ra thị trường một số sản phẩm thực phẩm chế biến, mới lạ về chất lượng và hương vị nhằm đa dạng sự lựa chọn của người dân”, bà Huân cho biết.
Ngoài doanh nghiệp, các siêu thị là nơi thu hút một lượng rất lớn người tiêu dùng đến mua sắm trong dịp Tết. Chính vì thế, các siêu thị trên địa bàn Hà Nội cũng đang gấp rút chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc phụ trách siêu thị Co.op Mart Hà Đông cho biết, hiện Saigon Co.op (đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Co.op Mart) đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa thiết yếu lớn, có thể phục vụ trọn 3 tháng trước, trong và sau Tết Tân Sửu với tổng giá trị lên đến gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2019. Trong đó, phần lớn ngân sách ưu tiên đầu tư cho trữ lượng 9 nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: Gạo, đường, dầu ăn, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.
“Dịch Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, cung cấp hàng hóa, do đó Saigon Co.op đã chủ động lên phương án dự trữ hàng hóa từ rất sớm; Đồng thời, chuẩn bị nhiều phương án vận chuyển phân phối để bảo đảm hàng hóa thiết yếu luôn đầy đủ, không bị đứt gãy nguồn cung, tăng giá đột biến”, bà Dung khẳng định.
Tại buổi giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo TP Hà Nội ngày 29/12, đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, điểm mới trong năm nay, ngoài việc bán hàng tại 12 điểm bình ổn, Hapro còn tổ chức bán hàng online qua các kênh như: Website, Facebook, Zalo, Viber... và giao hàng tận nhà cho khách hàng; bán hàng theo hình thức B2B (doanh nghiệp đến doanh nghiệp), tổ chức các gian hàng ngoài trời theo mô hình quầy hàng Tết...
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm này đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của TP Hà Nội và các tỉnh, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ Nhân dân thông qua 12.443 điểm bán, trong đó có 142 siêu thị; 1.351 cửa hàng tiện lợi, 7.680 cửa hàng tạp phẩm, 1.438 điểm bán tại các chợ, 495 bếp ăn tập thể; 5.000 điểm bán hàng ở các tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội.
Kiểm soát và đảm bảo chất lượng hàng hóa
Theo thông tin của ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội chia sẻ với báo chí, năm nay tình hình dịch Covid-19 khiến cho thị trường gặp nhiều biến động. Việc khan hiếm hàng hóa như vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 khiến cho nhiều đối tượng vì chạy theo lợi nhuận đã tổ chức sản xuất, buôn bán lưu thông hàng hóa kém chất lượng, giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì, tên thương mại, địa chỉ của các doanh nghiệp uy tín, mập mờ về nguồn gốc xuất xứ… gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Chính vì thế, chất lượng hàng hóa cung ứng của các doanh nghiệp và siêu thị trong dịp Tết này là điều mà người dân đặc biệt quan tâm. Do đó, cả phía doanh nghiệp cũng như lực lượng chức năng của TP Hà Nội đều cam kết kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào, tránh để hàng giả hàng nhái lợi dụng trà trộn vào các siêu thị.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Đối ngoại - Marketing, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thuộc Tập đoàn BRG khẳng định, đơn vị có bộ tiêu chí đánh giá các nhà cung cấp và quy trình đưa hàng vào hệ thống chuỗi siêu thị BRGMart và cửa hàng Haprofood được kiểm duyệt kỹ lưỡng, cam kết thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, nhất là các mặt hàng tươi sống. “Người tiêu dùng sẽ hoàn toàn yên tâm về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa khi mua sắm tại 53 điểm mua sắm thuộc BRGMart. Đối với chúng tôi, sự cẩn trọng không bao giờ là thừa”, bà Hiền thông tin.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng thông tin tại hội nghị báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 29/12 |
Về phía cơ quan chức năng, đại diện Cục QLTT TP Hà Nội cho biết sẽ phối hợp thường xuyên với Sở Công thương, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, cụ thể tại các chương trình hội chợ, khuyến mại, các chương trình đẩy mạnh ủng hộ “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức tại địa phương.
Cơ quan chức năng sẽ ngăn chặn các cơ sở, tổ chức, cá nhân kinh doanh, chào bán hàng hóa, sản phẩm là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa không bảo đảm chất lượng. Cùng với đó, lực lượng chức năng cũng sẽ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân, người tiêu dùng có ý thức, nói không với hàng hóa không rõ nguồn gốc; hướng dẫn người dân phân biệt hàng thật - hàng giả, tự bảo vệ quyền lợi của chính mình.