Hà Nội: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tập trung vào các chỉ số còn thấp
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp.
Bài liên quan
Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2020, các siêu thị không còn sử dụng túi nilon
Hà Nội: Tạo chuyển biến toàn diện, đổi mới trong thực hiện văn hoá công sở
Hà Nội cam kết hỗ trợ các đối tác Italia quảng bá, xúc tiến kinh tế thương mại
Tập thể UBND thành phố xem xét, quyết định 6 nội dung trình HĐND
Tại phiên họp, các thành viên tập thể UBNDTP, đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương đã cho ý kiến vào một số nội dung trình kỳ họp giữa năm 2019 của HĐND TP, như: Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách TP năm 2019; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2016 - 2020 của TP...
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô của Hà Nội tiếp tục ổn định, tăng trưởng đạt cao hơn cùng kỳ.Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,21% (cùng kỳ tăng 7,15%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 10,7% (cùng kỳ tăng 12%).
Du lịch tiếp tục phát triển, khách du lịch ước đạt 14,4 triệu lượt, tăng 9,5% (cùng kỳ tăng 17,2%), trong đó, khách quốc tế 3,3 triệu lượt, tăng 10,6% (khách quốc tế có lưu trú 2,34 triệu lượt, tăng 7,8% - cùng kỳ tăng 23,6%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 50,3 nghìn tỷ đồng, tăng 29,8%.
Hà Nội cũng tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 xếp thứ 9/63, tăng 4 bậc so với năm trước, hoàn thành sớm 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ 2016-2020. Hà Nội thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút vốn đầu tư phát triển: Đầu tư nước ngoài ước đạt 5,3 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước (lũy kế tổng số vốn đạt 41,2 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện khoảng 20,5 tỷ USD - đạt tỷ lệ 49,7%); Đã cấp Giấy chứng nhận thành lập mới 13.690 doanh nghiệp, vốn đăng ký 143,7 nghìn tỷ đồng (tăng 10% về số lượng doanh nghiệp và tăng 1% vốn đăng ký so với cùng kỳ).
Các quy hoạch xây dựng và phát triển nhà ở được quan tâm đẩy nhanh tiến độ; hạ tầng đô thị được duy trì tốt. Đến nay, Hà Nội có tỷ lệ phủ kín quy hoạch theo diện tích đạt 86%; Xử lý được 5/33 điểm ùn tắc, tiếp tục thí điểm tổ chức giao thông tại 2/33 điểm và giải pháp xử lý 30 điểm còn lại. Hệ thống hồ trên địa bàn tiếp tục được quan tâm cải tạo; vệ sinh môi trường được tổ chức tốt. TP tiến hành thử nghiệm xử lý nước sông Tô Lịch và hồ Tây theo công nghệ của Nhật Bản; Đã trồng thêm 166 nghìn cây đô thị và cây bóng mát. Cải cách hành chính được đẩy mạnh, kỷ cương hành chính được tăng cường. Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) giữ vững vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền (SIPAS) tăng 16 bậc.
TP cũng đã trình và được Bộ Chính trị thông qua Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; Chỉ đạo xây dựng và đánh giá các đề án thành lập quận của 5 huyện.Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được quan tâm.
Bên cạnh kết quả đạt được, UBND TP cũng chỉ rõ một số tồn tại cần khắc phục ngay như: GRDP duy trì tăng khá nhưng một số ngành đạt thấp hơn cùng kỳ. Bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa được kiểm soát.
Mặc dù được chỉ đạo sát sao nhưng vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất rừng tồn tại cũ chưa được xử lý dứt điểm. Việc quản lý quy hoạch xây dựng còn bất cập. Tỷ lệ giao đất dịch vụ chưa đạt mục tiêu đề ra.
Hà Nội xác định cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thành những chỉ tiêu đạt thấp và còn khó khăn. Cụ thể, TP sẽ tiếp tục tập trung dập dịch bệnh tả lợn châu Phi, các giải pháp đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm...
TP cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm Chỉ thị 09/CT-UBND ngày 7/6/2019 của Chủ tịch UBND Thành phố về đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền. Bên cạnh đó, TP tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giải quyết khiếu nại, tố cáo.