Hà Nội bố trí gần 2.700 biên chế cho giáo viên thuộc đối tượng đặc cách
Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà trình bày tờ trình về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2020.
Bài liên quan
Hà Nội đề nghị tăng thêm hơn 3000 biên chế giáo dục, y tế
Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế cần những bước đi thận trọng
Chiều 4/12, với 95/96 đại biểu biểu quyết tán thành, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2020.
Điều 1 của Nghị quyết thông qua tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2020 và quyết định giao biên chế cho các cơ quan của thành phố, quận huyện, thị xã như sau:
Biên chế hành chính là 9.479, trong đó có 8.042 biên chế công chức và 1.437 chỉ tiêu lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP.
Biên chế sự nghiệp là 142.564, trong đó có 122.765 biên chế viên chức; 10.869 chỉ tiêu lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và 8.930 chỉ tiêu lao động hợp đồng theo định mức.
Tại tờ trình trước khi thông qua Nghị quyết, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà nêu, số biên chế công chức sử dụng năm 2020 giảm 185 chỉ tiêu; biên chế viên chức giảm 1.000 chỉ tiêu; lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP giảm 405 chỉ tiêu so với năm 2019. Riêng lao động hợp đồng theo định mức không thay đổi so với năm 2019.
Ngoài ra, trong kế hoạch sử dụng biên chế năm 2020 có tăng 2.692 biên chế để bố trí cho giáo viên thuộc đối tượng xét tuyển đặc cách theo Công văn số 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ và một phần dự phòng phát sinh năm 2020, tạm thời đưa vào quỹ dự phòng biên chế và sẽ phân bổ cho các trường trên cơ sở định mức và kết quả thực tế tuyển dụng đối với các giáo viên thuộc đối tượng xét tuyển đặc cách còn phải tiếp tục giải quyết.
Tại Nghị quyết, HĐND thành phố giao UBND thành phố tiếp tục xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; đơn giản đến mức tối đa các thủ tục hành chính liên quan, xây dựng quy trình giải quyết công việc theo tinh thần “5 rõ” và “Một việc - Một đầu mối xuyên suốt”; nâng cao dịch vụ công mức độ 3, 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn; triển khai tốt công tác đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.