Hà Nội: Bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Hà Nội lên kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá 2020
Bài liên quan
Hà Nội: Thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi để đảm bảo bình ổn giá thịt lợn
Ngành Công thương chủ động bình ổn giá các mặt hàng trong mùa dịch
Việt Nam cho phép nhập khẩu lợn sống nhằm bình ổn giá thịt lợn trong nước
Theo đó, kế hoạch này sẽ đáp ứng được nhu cầu của nhân dân Thủ đô về các mặt hàng thiết yếu; Đẩy mạnh đầu tư, phát triển, đa dạng hóa mạng lưới phân phối nhằm đảm bảo hàng hóa trong chương trình đến tay người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng, trực tiếp.
Chương trình bình ổn giá cũng tạo điều kiện cho các cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng; Đồng thời, mở rộng thêm các nhóm hàng bình ổn thị trường gắn với thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Từ đó góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
UBND thành phố Hà Nội đề nghị, các nhóm hàng tập trung bình ổn giá cần có những tính chất sau: Hàng thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn đối với đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân thành phố; Nhạy cảm về cung - cầu, giá cả. Tuy nhiên, thành phố khó chủ động về số lượng và nguồn hàng cung ứng một cách ổn định; Các mặt hàng lương thực thực phẩm cân đối cung - cầu tại chỗ trên địa bàn thành phố còn thiếu phải khai thác thu mua ở thị trường ngoài thành phố; Những mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp lễ, Tết Nguyên đán và đặc biệt cần thiết trong các thời điểm có dịch bệnh, thiên tai xảy ra…
Theo kế hoạch chương trình này, thành phố cũng sẽ tập trung phát triển mạng lưới điểm bán hàng cố định tại các chợ dân sinh, khu dân cư, trường học, bệnh viện... theo nhiều mô hình như hợp tác liên kết, bán đại lý, cửa hàng tiện lợi, các điểm bán hàng an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã...; Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh công tác đưa các mặt hàng thuộc chương trình tới các bếp ăn tập thể của các trường học, cơ quan, khu công nghiệp với giá bán và nhận diện thống nhất trong hệ thống của doanh nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển mạng lưới cơ sở thương mại khu vực nông thôn.
Các cơ sở chủ động xây dựng các chương trình khuyến mại nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ các mặt hàng thuộc chương trình để phục vụ người dân có thu nhập trung bình và thấp; Đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại (siêu thị, cửa hàng) tại địa bàn nông thôn; Khuyến khích các cơ sở cùng tham gia chương trình hợp tác, liên kết với nhau nhằm tạo chuỗi cung ứng hàng hóa, ổn định giá bán và mở rộng danh mục hàng hóa bình ổn tại các điểm bán hàng đã đăng ký.
Hàng hóa tham gia chương trình phải đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện bình thường cũng như khi có biến động giá.
Theo UBND thành phố, đối tượng tham chương trình sẽ được mở rộng, bao gồm các thành phần: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế, được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật trên toàn lãnh thổ Việt Nam đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia, chấp hành các quy định của chương trình và các quy định pháp luật khác có liên quan. Tổ chức tín dụng hoạt động theo Luật Tổ chức tín dụng, đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia và chấp hành các quy định của chương trình và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Để nâng cao hiệu quả chương trình, ngành Công thương Hà Nội sẽ phối hợp với một số bộ, ngành liên quan dự báo tình hình thị trường, giá cả hằng tháng. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố để khai thác hàng hóa, chủ động nguồn cung; Tổ chức hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, tiêu thụ nông sản trong nội thành và các tỉnh, thành phố.
Trước đó, cuối tháng 5/2020 Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, do tác động của đại dịch Covid-19 cùng nhiều yếu tố khác, mặt bằng giá cả hàng hóa trong những tháng đầu năm 2020 nhìn chung đã tăng mạnh so mục tiêu đề ra. Mức CPI bình quân quý I/2020 tăng 5,56% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm gần đây.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, thời thời gian tới, cơ quan quản lý giá tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường. Đối với các mặt hàng do Nhà nước định giá sẽ không thực hiện điều chỉnh tăng giá khi không đảm bảo các điều kiện; Xây dựng kịch bản chi tiết cho việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, có tác động ảnh hưởng lớn đến CPI như giá xăng dầu, nhóm hàng nông sản, thực phẩm...