Hà Lan sẽ cấm bóng cười
Bóng cười được sử dụng cho mục đích giải trí ở nhiều quốc gia. Ảnh: Daily mail
Bài liên quan
Bóng cười, thuốc lắc có thể gây loạn thần
Ngăn chặn sớm mầm họa mang tên “bóng cười”
Vấn nạn “ma túy” mới
Từ năm 1772, khí N2O được phát hiện bởi một nhà khoa học người Anh. Khí này được người sử dụng hít vào sẽ có cảm giác đầu óc nhẹ bẫng, phởn phơ, kéo dài ít nhất vài giây. Vì vậy, nó đã được sử dụng cho mục đích giải trí. Vào những năm đó, việc sử dụng khí N2O để giải trí không thực sự phổ biến. Theo các chuyên gia, bóng cười bắt đầu thịnh hành khắp thế giới trong vòng 10 năm trở lại đây.
Tại Hà Lan nhiều năm qua, khí cười và một số chất gây nghiện được sử dụng hợp pháp. Tuy nhiên, giới chức nước này đã ngày càng lo ngại khi khí gây cười phổ biến. Đại diện cảnh sát Hà Lan cho biết, số lượng tài xế sử dụng khí cười cũng tăng vọt. Gần đây nhất vào tuần trước, cảnh sát đã có cuộc rượt đuổi trên đường phố với một lái xe mô tô 23 tuổi có sử dụng khí gây cười. May thay không có ai bị thương.
Bóng cười thường xuất hiện tại các tụ điểm ăn chơi của giới trẻ. Ảnh: Daily mail |
Việc lạm dụng khí N2O có thể dẫn đến sự thiếu hụt vitamin B12, từ đó dẫn đến các vấn đề về thần kinh hay người dùng có thể bị bỏng khí gas hoặc bị giảm nhịp tim đột ngột. Việc hít khí cười nồng độ cao còn có thể dẫn tới giảm lượng oxy trong máu, gây tử vong.
Theo kết quả nghiên cứu của trường Đại học Baylor (Mỹ), một thanh niên 22 tuổi hút bóng cười 30 lần mỗi ngày trong thời gian dài đã gặp các vấn đề về kỹ năng vận động. Cụ thể, đầu ngón tay, chân của người này bị mất cảm giác, thậm chí gặp khó khăn trong việc đi lại.
Trước bối cảnh đó, nhà chức trách Hà Lan đã công bố kế hoạch đưa khí cười vào danh sách các chất gây nghiện bị cấm sử dụng. Thứ trưởng Bộ Y tế Hà Lan, Paul Blockhuis cho biết việc sử dụng khí N2O để giải trí đang trở thành vấn nạn tại quốc gia này. Cách duy nhất để giải quyết chính là tăng cường luật pháp.
Lạm dụng bóng cười
Khí gây cười được bán trong các bình khí nén nhỏ rồi bơm vào trong bóng bay trước khi sử dụng bằng cách hút trực tiếp. Ở một số nước, hít bóng cười là hợp pháp, chỉ cấm đối tượng dưới 18 tuổi.
Giờ đây, rất nhiều nước như Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan... đã cấm sử dụng bóng cười. Trong đó, Anh đã là nước đầu tiên cấm sử dụng bóng cười vào năm 2016 do có tỷ lệ sử dụng bóng cười cao nhất thế giới,
Trước đó, bóng cười là chất kích thích phổ biến thứ tư tại Anh, theo nghiên cứu đánh giá toàn cầu vào năm 2015. Trong giai đoạn từ năm 2013 - 2014, gần 500.000 thanh niên Anh đã sử dụng khí N2O tại các tụ điểm vui chơi. Nó được giới trẻ rất ưa chuộng khi có khoảng 7,6% người trong độ tuổi 16 - 24 sử dụng. Con số này còn lớn hơn tỷ lệ sử dụng cocaine (4,2%) và thuốc lắc (3,9%). Tuy nhiên, từ năm 2006 - 2012, đã có 17 ca tử vong liên quan tới việc sử dụng bóng cười tại Anh.
Bóng cười có thể gây ra mất ý thức, tổn thương não. Ảnh: AP |
Mỹ cũng là một trong những nước sử dụng bóng cười nhiều nhất thế giới. Theo hãng tin BBC, mỗi năm tại nước này có 15 trường hợp chết vì bóng cười. Trên phạm vi quốc gia, khí N2O không bị cấm. Tuy nhiên, nhiều bang ở Mỹ cấm bán hoặc phân phối loại khí này cho người chưa thành niên hoặc sử dụng vào mục đích giải trí. Thành phố New York còn quy định sở hữu N2O để dùng vào việc hít hoặc bán kiếm lời là hành vi phạm pháp.
Tại Việt Nam, Hà Nội là một trong những tỉnh thành rất quyết liệt trong việc xử lý nạn bóng cười. Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều quán bar thậm chí là cà phê vỉa hè, bóng cười được bày bán công khai. Nhiều bạn trẻ coi khí N2O như một chất kích thích không thể thiếu trong hoạt động vui chơi, giải trí.