“Gỡ khó” cho công tác đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp
Tạo cơ hội cho lao động thất nghiệp tìm việc làm mới
Bài liên quan
Giảng viên Đào Quyết Thắng đồng hành với người lao động
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước
Người trẻ cần năng động hơn để tìm kiếm việc làm
Thị trường tốt nhưng chất lượng việc làm lại là một thách thức
Tạo điều kiện cho lao động thất nghiệp được học nghề
Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã đổi mới trong phương pháp làm việc, cải thiện môi trường giao dịch, tăng cường công tác thông tin thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết các chế độ BHTN.
Những năm gần đây, Trung tâm chủ động bố trí hẹn lịch giải quyết hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, mở các phiên giao dịch việc làm để người lao động được tiếp xúc và hỗ trợ tìm kiếm các công việc mới ngay trong thời gian hưởng chế độ BHTN.
Có thể nhận thấy, tuy đã có những kết quả bước đầu nhưng hiệu quả công tác hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp vẫn còn thấp.
Anh Huy Hoàng (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi đóng BHTN được 4 năm trước khi nghỉ việc vào tháng 6/2019. Do hoàn cảnh gia đình nên tôi không muốn đi làm xa tại các khu công nghiệp mà chỉ muốn học nghề để thay đổi công việc. Tuy vậy, mức hỗ trợ với lao động thất nghiệp hiện nay là 1 triệu đồng/người/ tháng và hỗ trợ không quá 6 tháng là thấp, không đủ trang trải chi phí học nghề.
Các khóa học nghề tại các cơ sở thời gian học khá dài, lên đến vài năm, trong khi lao động thất nghiệp chỉ muốn học nghề trong thời gian sớm nhất để quay lại thị trường việc làm. Do vậy, tâm lý chung của người lao động là chọn làm tự do để có thu nhập duy trì cuộc sống trong khi tìm việc làm mới.
Nhiều người sau khi nghỉ việc đã chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp về địa phương, sau đó chuyển sang làm nông nghiệp, tự kinh doanh như mở tiệm tạp hóa, buôn bán nhỏ hoặc vì lý do gia đình, sức khỏe nên không có nhu cầu tìm việc làm hay lựa chọn nghề mới.
Một số lao động, đặc biệt là lao động nữ nghỉ việc vì lý do cá nhân: lập gia đình ở nhà nội trợ, thai sản, nuôi con nhỏ… nên cũng không có nhu cầu học nghề.
Trước những thách thức khó khăn trong việc đưa chính sách BHTN đến gần hơn với người lao động, người sử dụng lao động và việc kết nối cung cầu lao động như hiện nay, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã không ngừng đổi mới các hình thức tư vấn và các hoạt động tuyên truyền, tích cực lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người lao động, chủ động liên hệ và phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề mở các lớp đào tạo phù hợp với thực tế của người lao động và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Nâng mức hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp
Anh Văn Linh (Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ: “Hiện mức hỗ trợ cho lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp học nghề đã tăng, song với mức hỗ trợ trên mới chỉ phù hợp với một số nghề như: tin học văn phòng, kỹ thuật trang điểm, lái xe nâng… Nếu tôi muốn học các nghề có chi phí cao như lái xe thì mức hỗ trợ này không đủ”.
Theo quy định về thời gian học nghề đối với lao động thất nghiệp không quá 6 tháng (Điều 56 Luật Việc làm) và mức hỗ trợ kinh phí học nghề cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo quy định là không quá 1 triệu đồng (điều 3 Quyết định 77/2014/QĐ-TTg) là chưa phù hợp.
Vì thực tế muốn học được một nghề có chất lượng và đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động phải mất khoảng thời gian tối thiểu 12 tháng với chi phí cao.
Người lao động phải bù thêm học phí để đi học khi đang rơi vào tình trạng thất nghiệp. Hơn nữa, chi phí nhà ở, phí sinh hoạt khiến họ không mặn mà với việc học nghề và có thể bỏ dở khóa học nghề.
Do đó, người lao động bị mất việc làm muốn chuyển đổi nghề nghiệp để trở lại thị trường lao động sẽ gặp khó khăn dẫn đến kết quả lao động thất nghiệp đăng ký học nghề còn thấp.
Đặc thù của các nghề đào tạo ngắn hạn dưới 6 tháng mang tính thực hành cao nên tùy theo nghề đào tạo có thể xây dựng chi phí bao gồm: phí nguyên, phụ liệu để thực hành. Do đó, mức chi phí đào tạo mà nơi họ nghề đưa ra chủ yếu chưa bao gồm phí nguyên, phụ liệu.
Đánh giá về thực trạng học nghề của lao động thất nghiệp hiện nay, ông Lê Quang Trung, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: “Theo số liệu thống kê, số người tham gia BHTN tăng dần qua các năm nhưng thực tế chính sách BHTN mới chỉ tập trung vào việc hỗ trợ sau khi thất nghiệp chứ chưa có nhiều biện pháp chủ động để giúp người lao động duy trì việc làm và tránh thất nghiệp. Đáng chú ý, có không ít trường hợp người lao động chỉ muốn nhận trợ cấp thất nghiệp mà chưa quan tâm đến việc tham gia đào tạo để có việc làm mới. Thậm chí, một số người lao động còn khai báo không đúng tình trạng việc làm trong quá trình thẩm định giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hầu hết người lao động đến trung tâm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề miễn phí. Tuy nhiên, thực tế số lao động đăng ký chuyển đổi nghề nghiệp chưa được nhiều so với kỳ vọng”.
Để giúp lao động thất nghiệp không quay lưng với học nghề, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang dự thảo quyết định quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN. Theo đó, người tham gia khóa đào tạo nghề 3 tháng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất mức hỗ trợ học nghề tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa, hỗ trợ đi lại 300.000 đồng/tháng; nếu tham gia khóa đào tạo nghề hơn 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng, hỗ trợ đi lại 100.000 đồng/người/tháng.
Đề xuất này được kỳ vọng giúp người lao động thất nghiệp đi học nghề sớm quay trở lại thị trường lao động để chính sách BHTN thực sự là điểm tựa cho lao động thất nghiệp.
Có thể khẳng định, hỗ trợ lao động thất nghiệp tìm kiếm việc làm và học nghề là một chính sách cần thiết.
Tuy nhiên, để chính sách thiết thực, hiệu quả và thực sự đi vào cuộc sống, trở thành “cứu cánh” cho người lao động thì các nhà làm chính sách cần nghiên cứu nâng mức hỗ trợ học nghề, hỗ trợ chi phí đi lại cho người lao động thất nghiệp.
Cùng với đó, các cơ sở đào tạo nghề cần phát triển thêm ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu xã hội, sắp xếp lịch linh hoạt, phù hợp với thời gian của người lao động và có chính sách giảm học phí đối với một số nghề có chi phí học nghề cao.
Mặt khác, các ngành chức năng cũng cần có những dự báo nhu cầu thị trường lao động chính xác, tốt nhất để định hướng, tư vấn nghề phù hợp, giúp người lao động dễ tìm việc làm mới sau khi thất nghiệp.