Giới thiệu về Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia Việt Nam
Thông tin tín dụng là gì?
Thông tin tín dụng (TTTD) là các thông tin về khách hàng vay và những thông tin liên quan đến khách hàng vay tại tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng. TTTD có vai trò quan trọng trong phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động cấp tín dụng của các TCTD.
Theo Thông tư số 03/2013/TT-NHNN ngày 28/1/2013, hoạt động TTTD của NHNN do Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc NHNN, là đầu mối thực hiện. Cụ thể, CIC thực hiện chức năng thu thập, xử lý, lưu trữ, phân tích TTTD; Phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước của NHNN; Cung ứng sản phẩm dịch vụ TTTD theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, kho dữ liệu TTTD Quốc gia Việt Nam do CIC quản lý lưu giữ thông tin của hơn 54 triệu khách hàng vay, với sự tham gia báo cáo thông tin của 100% các TCTD hoạt động tại Việt Nam và các tổ chức tự nguyện.
Điểm tín dụng là gì? Điểm tín dụng tại CIC được chấm như thế nào?
Điểm tín dụng là một chỉ số phản ánh mức độ tín nhiệm của khách hàng vay. Điểm tín dụng cho biết khả năng một khách hàng vay có thể trả nợ và thanh toán các khoản vay đầy đủ và đúng hạn. Điểm tín dụng càng cao tương ứng với rủi ro không thanh toán được các khoản nợ càng thấp và khả năng tiếp cận tín dụng càng cao.
Mỗi cơ quan, tổ chức thực hiện chấm điểm tín dụng sẽ có các thang điểm tương ứng với mức độ rủi ro khác nhau. Tại CIC, điểm tín dụng là kết quả của quá trình tính toán kết hợp các TTTD của khách hàng vay bao gồm thông tin định danh, thông tin về dư nợ của khách hàng, lịch sử thanh toán các khoản vay và một số thông tin khác.
Theo Mô hình chấm điểm tín dụng thể nhân của CIC, điểm tín dụng của khách hàng vay đực áp dụng theo nguyên tắc: Điểm cao - Mức độ rủi ro thấp; Điểm thấp - Mức độ rủi ro cao.
Cụ thể, điểm tín dụng của khách hàng vay (từ 403 đến 706) được chia làm 5 cấp độ Xấu (Hạng 9, hạng 10), Dưới trung bình (Hạng 7, hạng 8), Trung bình (Hạng 5, hạng 6), Tốt (Hạng 3, hạng 4) và Rất tốt (Hạng 1, hạng 2), tương ứng với 10 hạng từ thấp nhất là 10 và cao nhất là hạng 1.
Khách hàng cá nhân có thể tra cứu điểm tín dụng cá nhân của mình ở đâu và như thế nào?
Để tra cứu thông tin tín dụng của bản thân, khách hàng cần đăng ký tài khoản để truy cập vào Cổng thông tin khách hàng vay của CIC để được cấp tài khoản truy cập và khai thác báo cáo về bản thân.
Đối với cá nhân: Khách hàng cần có điện thoại thông minh để tải ứng dụng CIC Credit Connect (CICB) về điện thoại cá nhân, cài đặt và thực hiện đăng ký theo hướng dẫn hoặc đăng ký tài khoản qua cổng khách hàng vay tại địa chỉ https://cic.gov.vn;
Khi đăng ký tài khoản, khách hàng điền đầy đủ và đúng thông tin tại các trường trong mẫu đăng ký, cung cấp ảnh CCCD mặt trước, sau và 1 ảnh của bản thân đang cầm CCCD; Kết quả phê duyệt tài khoản sẽ được thông báo qua SMS/email đăng ký của khách hàng.
Sau khi hoàn thành thông tin đăng kí và được CIC phê duyệt tài khoản, khách hàng chọn chức năng “Khai thác báo cáo”; Xác thực khách hàng; Chọn mua báo cáo tín dụng, thanh toán (kể từ lần tra cứu thứ 2 trong năm); Nhập mã OTP để lấy báo cáo - mã OTP gửi về số điện thoại khách hàng đã đăng ký (lưu ý: Khách hàng bảo mật thông tin tài khoản, mã OTP; Tuyệt đối không cung cấp cho bất kỳ ai).
Đối với doanh nghiệp: Khách hàng cần vào cổng khách hàng vay tại địa chỉ https://cic.gov.vn để thực hiện đăng ký tài khoản và khai thác báo cáo trên cổng thông tin http://cic.gov.vn theo hướng dẫn. Theo đó, doanh nghiệp cần cung cấp Chứng thư số, bản scan ĐKKD, email, điện thoại, điền đầy đủ và đúng thông tin tại các trường trong mẫu đăng ký để được nhận tài khoản truy cập và khai thác báo cáo.
Nợ xấu là gì? Khách hàng cần làm gì để cải thiện điểm tín dụng, tránh phát sinh nợ xấu?
Theo quy định tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của NHNN, nợ tại các TCTD được chia thành 5 nhóm, trong đó nợ quá hạn thanh toán từ 90 ngày trở lên được coi là nợ xấu, bao gồm: Các nhóm nợ 3 (quá hạn từ 90 - 180 ngày), nhóm nợ 4 (quá hạn từ 180 - 360 ngày) và nhóm nợ 5 (quá hạn trên 360 ngày). Nợ xấu được hiểu là các khoản nợ đã không được thanh toán đúng hạn và đã quá hạn phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng.
Để có thể nâng cao điểm số tín dụng cũng như có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn tại các TCTD, khách hàng nên cân nhắc: Chỉ vay vốn/mở thẻ tín dụng khi đã cân nhắc về khả năng tài chính dựa trên thu nhập thực tế; Có kế hoạch trả nợ đầy đủ và đúng hạn; Luôn có ý thức trả nợ dù là khoản nợ nhỏ (có thể sử dụng các công cụ nhắc nợ tự động như phần mềm ghi nhớ trên điện thoại); Thường xuyên kiểm tra TTTD của bản thân để có phương án xử lý kịp thời khi phát hiện thông tin chưa chính xác; Khi có nhiều khoản nợ cùng lúc, khách hàng nên cố gắng chi trả dần số dư nợ hiện tại, không nên phát sinh thêm các khoản nợ mới, đặc biệt là nợ tín chấp, nợ vay tiêu dùng.
Khách hàng có lịch sử nợ xấu có thể vay vốn không?
Khách hàng có lịch sử nợ xấu vẫn có cơ hội tiếp cận tín dụng căn cứ vào khẩu vị rủi ro và đánh giá khách hàng vay của TCTD.
Việc đánh giá rủi ro đối với khách hàng dựa trên nhiều yếu tố theo quy định pháp luật và quy định nội bộ của từng TCTD; Thông tin do CIC cung cấp là một trong nhiều kênh tham khảo, hỗ trợ, không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyết định của TCTD.