Giới khoa học lý giải tại sao có những người không bao giờ mắc COVID-19
Trên thực tế đã có nhiều trường hợp một thành viên trong gia đình mắc COVID-19 kéo theo toàn bộ gia đình cũng mắc theo. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều câu chuyện về những cặp vợ chồng, những gia đình, nhóm đồng nghiệp có người có người miễn nhiễm với COVID-19.
Thật vậy, Danny Altmann, Giáo sư miễn dịch học tại Đại học Imperial College London, cho biết các nghiên cứu chỉ ra rằng khả năng bị nhiễm bệnh trong một hộ gia đình khi một trường hợp dương tính là “không cao như bạn tưởng tượng”.
Ảnh minh họa: CNBC |
Ngày càng có nhiều nghiên cứu tìm nguyên nhân để lý giải cho một số người dường như không bao giờ nhiễm COVID-19.
Tháng trước, một nghiên cứu mới được công bố bởi Đại học Hoàng gia London cho thấy những người có mức tế bào T (một loại tế bào trong hệ thống miễn dịch) cao hơn do nhiễm virus cảm lạnh thông thường ít có khả năng nhiễm SARS-CoV-2 gây ra bệnh COVID-19.
Tiến sĩ Rhia Kundu, tác giả chính của của nghiên cứu trên cho biết “việc tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 không phải lúc nào cũng dẫn đến lây nhiễm và chúng tôi rất muốn hiểu tại sao”.
“Chúng tôi phát hiện ra rằng lượng tế bào T tồn tại từ trước, được tạo ra bởi cơ thể khi bị nhiễm các coronavirus khác ở người như cảm lạnh thông thường, có thể bảo vệ chống lại sự lây nhiễm COVID-19”, bà Kundu giải thích.
Tuy nhiên, tiến sĩ Kundu cũng cảnh báo dù đây là một khám phá quan trọng nhưng nó chỉ là một hình thức bảo vệ. Do đó khôg ai nên dựa vào điều này một mình. Thay vào đó, cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trước COVID-19 là tiêm phòng đầy đủ, bao gồm cả tiêm liều nhắc lại.
Ảnh minh hoạ: Daily Mirror |
Bên cạnh đó, một câu hỏi khác đã đặt ra trong đại dịch là tại sao hai người cùng mắc COVID-19 lại có thể phản ứng khác nhau với bệnh. Một người có thể có các triệu chứng nặng, người kia có thể không có triệu chứng. Câu trả lời có thể nằm ở gien của mỗi người.
Nhà nghiên cứu Altmann của Đại học Imperial College London chia sẻ ông và các đồng nghiệp của mình đã tiến hành nghiên cứu về di truyền miễn dịch và nhiễm COVID-19. Từ đó nhóm của ông phát hiện ra rằng nguyên nhân nằm ở sự khác biệt giữa hệ miễn dịch của mỗi người.
Nghiên cứu tập trung vào các gien HLA (kháng nguyên bạch cầu ở người) khác nhau và đang xem xét cách những gien này có thể ảnh hưởng đến phản ứng của một người với COVID-19, với một số loại HLA khiến người đó có khả năng nhiễm virus có triệu chứng hoặc không có triệu chứng.
Ông Altmann giải thích: “Các gien quan trọng kiểm soát phản ứng miễn dịch của bạn được gọi là gien HLA. Chúng quan trọng đối với việc xác định phản ứng của bạn khi gặp phải SARS-CoV-2. Ví dụ, những người có gien HLA-DRB1*1302 có nguy cơ bị nhiễm bệnh có triệu chứng cao hơn đáng kể”.