Giao thông thông minh: Trụ cột chính của thành phố thông minh
Phát triển giao thông thông minh theo 3 giai đoạn
Những năm gần đây, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả khi giám sát giao thông bằng camera, giám sát các phương tiện vận tải bằng thiết bị giám sát hành trình, xây dựng một sô ứng dụng phục vụ đỗ xe, tìm tuyến xe buýt... Đây là những tiền đề để triển khai hệ thống giao thông thông minh ITS trong thành phố.
Tuy nhiên, trước thực trạng phát triển hiện nay, việc triển khai phát triển hệ thống giao thông thông minh là rất cần thiết. Sở Giao thông vận tải đã nghiên cứu lập và trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt "Đề án giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Trong đó đã xác định quản lý khai thác hạ tầng giao thông một cách hiệu quả để từ đó giảm ùn tắc, tiết kiệm chi phí đi lại, tạo điều kiện tối đa cho việc vận chuyển hành khách và hàng hóa, cung cấp thông tin giao thông chính xác, khai thác tối ưu hạ tầng giao thông hiện tại. Đề án nhằm bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, giảm thiểu tai nạn và thân thiện với môi trường.
Hà Nội thí điểm hệ thống giao thông thông minh từ tháng 6/2024 |
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, lộ trình phát triển cho hệ thống giao thông thông minh của thành phố sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 từ năm 2025 - 2027, hình thành và đưa vào khai thác vận hành Trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội với các 9/12 chức năng như giám sát giao thông, cung cấp thông tin giao thông, điều khiển giao thông, hỗ trợ xử lý vi phạm an toàn giao thông, quản lý đỗ xe...
Giai đoạn 2 (năm 2028 - 2030) sẽ mở rộng phạm vi và hoàn thiện, đưa vào khai thác các chức năng còn lại gồm quản lý vận tải, quản lý nhu cầu và mô phỏng giao thông.
Giai đoạn cuối cùng sau năm 2030, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống giao thông thông minh Thành phố, kết hợp đồng bộ cùng sự phát triển của hạ tầng giao thông, tạo nên di chuyển thông minh trong thành phố thông minh, đưa Hà Nội trở thành có hệ thống quản lý, điều hành giao thông tiên tiến ngang tầm khu vực.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác dữ liệu lớn
Trong đề án giao thông thông minh, Sở Giao thông vận tải Hà Nội xác định vai trò quan trọng của việc sử dụng công nghệ thông tin và khai thác dữ liệu lớn.
Theo các chuyên gia, giao thông thông minh không chỉ là giải pháp hiện đại hóa hạ tầng mà còn được xem như một cơ sở dữ liệu quý giá trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, trong khi tài nguyên số ngày càng phong phú.
Một trong những thách thức lớn trong các giai đoạn tới là làm sao khai thác hiệu quả dữ liệu về hành trình đi lại, mật độ di chuyển và luồng giao thông để tối ưu hóa mạng lưới quy hoạch, đồng thời hỗ trợ quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô một cách chính xác và hiệu quả hơn.
Hiện TP Hà Nội đang thí điểm triển khai Trung tâm điều hành giao thông thông minh |
Hệ thống này còn mở ra tiềm năng cung cấp các dịch vụ dữ liệu thiết thực, chẳng hạn như hỗ trợ doanh nghiệp phân tích mật độ giao thông và thói quen di chuyển tại một khu vực cụ thể để đưa ra quyết định kinh doanh.
Đây không chỉ là một giải pháp cải thiện giao thông đô thị mà còn có thể tạo nguồn thu đáng kể cho ngành giao thông vận tải nếu biết cách khai thác đúng đắn. Giao thông thông minh được xem là nền tảng cần thiết để xây dựng thành phố thông minh, giải quyết các vấn đề cấp bách của đô thị hiện đại.
Có thể thấy, việc phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin theo đề án phải đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của ngành, của các cá nhân, tổ chức, không để lộ lọt thông tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước.
Đồng thời cũng huy động được đa dạng nguồn lực trong đầu tư hạ tầng giao thông thông minh; gắn kết hệ thống hạ tầng hiện hữu và hạ tầng đầu tư trong tương lai; đi trước đón đầu ứng dụng các công nghệ khoa học mới, hiện đại; thuận tiện trong quản lý, khai thác, vận hành.