Giảm ô nhiễm không khí: Cần hành động cụ thể từ mỗi cá nhân
Tuổi trẻ Thủ đô chung tay hành động để giảm thiểu ô nhiễm không khí
Nhiều giải pháp
Cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để làm giảm thiểu ô nhiễm không khí như trông cây xanh, kéo dài thời gian và mở rộng không gian công cộng “sạch” ở các phố đi bộ; Quy định, giám sát chặt chẽ vệ sinh xây dựng; Áp dụng các công nghệ mới để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải ô nhiễm; Phát triển vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng thực hiện nghiêm công tác đăng kiểm và kiểm soát khí thải ô tô, xe máy; Tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học để kiểm kê nguồn thải, phân tích thành phần bụi PM2.5, từ đó xác định nguồn gây bụi, tính toán và dự báo mức độ và sự lan truyền ô nhiễm không khí để đưa ra những giải pháp phù hợp…
Tuy nhiên theo nhiều bạn trẻ, nếu chỉ nỗ lực ở tầm vĩ mô thì chưa đủ, cần có sự vào cuộc từ mỗi cá nhân bằng những hành động nhỏ trong cuộc sống thường ngày.
Theo bạn Trần Văn Chiến, sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Kiến trúc Hà Nội: “Tôi thấy ở khu vực quận Thanh Xuân, nhiều người đến trường đón con cứ nổ máy đứng ngay ngoài cổng để chờ. Nếu họ chịu tắt máy đi và đứng ở xa trường một chút thì ngay tại ngôi trường đó cũng đã đỡ bị ô nhiễm cho trẻ nhỏ rồi”.
Bạn Nguyễn Thị Thu Hương, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Mỗi người dân nên cam kết thực hiện một hành động để giảm thiểu ô nhiễm - như sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, tiết kiệm điện, tiết kiệm tiêu dùng, di chuyển bằng phương tiện công cộng… Nhiều nỗ lực cá nhân cộng lại sẽ làm nên thành quả chung của xã hội”.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Trước tình trạng ô nhiễm không khí, nhiều bạn trẻ cho rằng, bản thân mỗi người cần phải có ý thức trong hoạt động giảm phát khí thải. Cụ thể là sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường, không tiêu tốn điện năng, không phát thải ra khí độc hại.
Theo bạn trẻ Bùi Văn Trung (Đông Anh, Hà Nội): “Ở khu vực nội thành đã đông đúc, nhiều xe cộ đi lại nhưng tôi thấy không ít gia đình, đặc biệt là nhiều hàng ăn vẫn sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu. Điều này tạo ra nhiều khí C02 thải vào bầu không khí chung. Nghiên cứu năm 2018 của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã chỉ rõ trong than tổ ong có hàm lượng bụi mịn PM2.5, người trực tiếp đun nấu bị hút bụi mịn này cao hơn 7-8 lần so với người đứng cách xa vài mét… Vì vậy, tôi nghĩ, người dân thay vì dùng các nhiên liệu đốt cháy từ than, hãy sử dụng điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió để giảm bớt tình trạng ô nhiễm không khí”.
Nguyễn Tuấn Anh, nhân viên một công ty du lịch tại quận Long Biên chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, cơ quan chức năng có dùng biện pháp gì để xử lý ô nhiễm không khí mà mỗi người dân không có ý thức bảo vệ môi trường thì cũng khó thành công. Bắt đầu từ bây giờ tôi sẽ đi lại bằng các phương tiện công cộng như xe bus, xe điện để giảm thiểu ùn tắc và giảm mật độ khói bụi do quá trình đốt cháy nhiên liệu xăng dầu. Ngoài ra, nếu phải sử dụng đến phương tiện cá nhân, khi dừng đèn đỏ, tôi sẽ tắt xe máy giúp giảm lượng khói xe thải ra bầu không khí”.
Với không ít người trẻ, ngoài những việc làm trên, các bạn còn tích cực trồng nhiều cây xanh ở nhà, cây cảnh tại nơi làm việc, góp phần tạo ra diện tích không gian xanh lớn trong thành phố, đặc biệt là ở những tuyến đường có nhiều phương tiện qua lại, nơi hay xảy ra tình trạng ùn tắc.