Giảm môn thi tốt nghiệp THPT: Bớt áp lực và nhân văn
Cảnh báo việc làm giả đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2025 Chiều 29/11, Bộ GD&ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 Từ năm 2025, thí sinh thi tốt nghiệp THPT 4 môn |
Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm 4 môn: 2 môn thi bắt buộc (ngữ Văn, Toán) và 2 môn tự chọn (trong số các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Như vậy theo phương án này, Ngoại ngữ không còn là môn bắt buộc như trước.
Phụ huynh và học sinh “thở phào nhẹ nhõm”
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án tổ chức thi mới, nhiều phụ huynh và thí sinh cho rằng, điều này giúp giảm tải khối lượng kiến thức và học sinh được lựa chọn những môn yêu thích, thế mạnh của mình để dự thi. Đồng thời, phương án này cũng giải quyết được tình trạng mất cân bằng của việc chọn khối khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên như hiện nay.
Bạn Anh Khoa ở Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm chia sẻ: “Mình đang học lớp 11, ngay từ bây giờ phải chú tâm ôn luyện cả 3 môn Toán, Văn, Anh, khi nghe được phương án thi mà Bộ GD&ĐT công bố, mình thấy rất hợp lý. Hiện tại, mình đã dành thời gian chuyên tâm vào hai môn thi bắt buộc và có những bước lựa chọn, chuẩn bị ôn các môn tự chọn.
Vì khối thi vào đại học và ngành học mình lựa chọn không có môn tiếng Anh nên khi ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc, mình thấy dễ thở và bớt áp lực hơn”.
Giảm môn thi tốt nghiệp THPT đáp ứng chủ trương bớt áp lực trong thi cử |
Bạn Nguyễn Đình Trung ở quận Long Biên hiện đang học lớp 11, trường THPT Lý Thường Kiệt chia sẻ, việc giảm môn thi và bỏ bắt buộc thi môn tiếng Anh đã bớt đi rất nhiều áp lực đối với học sinh. “Dù mình lựa chọn môn tiếng Anh để thi nhưng mình cũng thấy rằng, nhiều bạn học giỏi môn khác hơn là ngoại ngữ, vì thế, giảm môn thi và tiếng Anh không còn là môn bắt buộc đã khiến cho kỳ thi tốt nghiệp THPT trở nên nhẹ nhàng hơn”, Đình Trung nói.
Ở góc độ là phụ huynh, chị Ngọc Huyền ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng: “Khi Ngoại ngữ được tự chọn sẽ giúp cho các sĩ tử có thời gian ôn luyện trọng tâm vào các môn học là thế mạnh và môn sẽ thi vào đại học của mình. Còn những em chỉ có mục đích tốt nghiệp sau đó đi lao động phổ thông sẽ không chọn thi ngoại ngữ. Đây là hướng đi hợp lý với năng lực và định hướng nghề của mỗi học sinh”.
Bỏ thi bắt buộc chứ không bỏ học
Nhà giáo, TS. Nguyễn Văn Hòa, người sáng lập ra hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm – Hà Nội chia sẻ: “Thi có môn lựa chọn và môn bắt buộc đã là giảm áp lực cho học sinh rồi. Điều quan trọng là, không chỉ giảm áp lực mà còn phù hợp với năng lực của học sinh, bởi các em không thể giỏi đồng đều cả 13 môn, mỗi người chỉ có thế mạnh vài môn thôi. Như vậy, nếu để cho học sinh được lựa chọn thì sẽ phù hợp với năng lực của chúng, khi đó sẽ phát huy được tối đa bản thân của các em.
Ngoại ngữ không còn là môn bắt buộc sẽ tạo điều kiện giúp học sinh phát huy năng lực, sở trường của mình |
Trước nhiều ý kiến lo ngại về việc môn tiếng Anh là môn tự chọn sẽ không tạo động lực cho học sinh học ngoại ngữ, TS. Nguyễn Văn Hòa cho rằng, bản thân môn tiếng Anh là môn bắt buộc rồi, thời lượng dạy trên lớp của môn này bằng môn Toán và Văn, cho nên nó rất được coi trọng. Đặc biệt trong thời đại hội nhập hiện nay, việc học tiếng Anh đã ăn vào ý thức của học sinh và của cả gia đình, nhà trường.
Hiện nay, các doanh nghiệp, ngành nghề khi tuyển dụng đều ưu tiên người giỏi tiếng Anh, nếu ứng viên có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ được cộng điểm và ưu ái hơn. Việc học tiếng Anh ở xã hội ta luôn được giáo dục, khích lệ và trở thành nhu cầu thiết yếu. Vì thế thi hay không thi cũng không ảnh hưởng gì đến việc học sinh học môn này.
“Tôi test ngay ở trường tôi, 37 học sinh trong 1 lớp xem các con chọn môn nào để thi thì có đến 34 em chọn tiếng Anh. Điều này cho thấy dù là môn lựa chọn thì nhiều em vẫn thi tiếng Anh. Còn số ít học sinh không chọn là do không có năng lực thực sự về môn đó, các em sẽ chọn môn khác phù hợp với bản thân. Như thế rất nhân văn chứ không phải lo là học sinh không có động lực học ngoại ngữ”, TS. Nguyễn Văn Hoà chia sẻ.
Thầy Dương Hai Bảy Mươi, hiệu trưởng trường THPT Lý Thường Kiệt cũng cho rằng, phương án thi mà Bộ GD&ĐT vừa công bố giúp cho học sinh giảm áp lực hơn. Theo đó, các em thi đại học khối nào sẽ lựa chọn môn học của khối đó hay những môn học là thế mạnh của mình.
Ngoài ra, thầy Dương Hai Bảy Mươi cũng khẳng định, dù lựa chọn thi môn nào thì các em vẫn phải học và thi ngoại ngữ ở trong trường theo chương trình và yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Vì thế tiếng Anh chỉ bỏ thi bắt buộc nhưng không phải bỏ học.