Giám đốc CDC Hà Nội và đồng phạm nâng khống tiền mua thiết bị xét nghiệm Covid-19 sẽ bị xử lý thế nào?
Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc CDC Hà Nội cùng các đồng phạm vừa bị khởi tố điều tra vi phạm trong việc mua thiết bị xét nghiệm Covid-19
Bài liên quan
Phải xử nghiêm vụ Giám đốc CDC Hà Nội lợi dụng dịch Covid-19 để trục lợi
Khởi tố, bắt giam 7 đối tượng liên quan việc mua sắm thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19
Thái Bình: Đường “Nhuệ” bị khởi tố thêm tội danh, tiếp tục bắt một đàn em khác
Thái Bình: Đường “Nhuệ” bị khởi tố điều tra vụ đánh người tại trụ sở Công an phường
Vụ Chi cục trưởng THADS TP Thanh Hóa tử vong: Vì sao khởi tố vụ án giết người?
Chênh gần 5 tỷ đồng so với giá nhập
Trong một diễn biến mới nhất liên quan tới vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, chiều 23/4, một lãnh đạo Cơ quan CSĐT C03 Bộ Công an cho biết, bước đầu đơn vị này đã xác định, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi CDC Hà Nội mua vào lại có giá lên tới 7 tỷ đồng.
Vị lãnh đạo C03 cho biết, việc nâng giá hệ thống Realtime PCR tự động được các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau. Sau đó, Công ty Cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành căn cứ vào đó để đề xuất mức giá và CDC Hà Nội mua vào.
"Vụ án đang được chúng tôi điều tra, mở rộng, bước đầu kết quả điều tra mới có những thông tin như vậy. Khi có thông tin đầy đủ vụ án, chúng tôi sẽ thông tin cho báo chí", vị lãnh đạo C03 nói.
Trước đó báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, ngày 22/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can Nguyễn Nhật Cảm (57 tuổi, Giám đốc CDC Hà Nội) cùng 6 người khác về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là: Nguyễn Vũ Hà Thanh (41 tuổi, Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội) và Lê Xuân Tuấn (38 tuổi, nhân viên Phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội); Đào Thế Vinh (45 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam); Nguyễn Trần Duy (40 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành); Nguyễn Ngọc Nhất (34 tuổi, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech) và Nguyễn Thanh Tuyền (35 tuổi, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông).
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định các bị can đã câu kết, gian lận, thông đồng nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
CDC Hà Nội nơi xảy ra vụ việc vi phạm quy định về đấu thầu mua thiết bị xét nghiệm Covid-19 |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, anh Phan Tuyến ở Hà Đông, Hà Nội bày tỏ, trong khi cả nước đang gồng mình chống dịch, nhiều doanh nghiệp, người dân góp tiền, góp sức để chống dịch Covid-19. Vậy mà những người này lại thông đồng, nâng khống để bòn rút tiền của nhân dân. Thật đáng buồn, một vết đen trong bức tranh đẹp về cuộc chiến chống lại dịch bệnh của Chính phủ và nhân dân cả nước. Lợi dụng tình trạng dịch bệnh để phạm tội là tình tiết tăng nặng hình phạt. Cơ quan chức năng cần điều tra, xử lý nghiêm khắc các đối tượng vi phạm.
Cùng quan điểm trên, anh Nguyễn Mạnh Hưng ở Mễ Trì, Hà Nội nói: Nhiều gương sáng như em bé đập lợn để lấy tiền mừng tuổi ủng hộ, cụ bà nghèo khó nhưng vẫn góp phần nhỏ cho chống dịch vậy mà một số cán bộ này lại lợi dụng dịch bệnh để tư lợi bất chính cho mình, trong đó có cả người của cơ quan phòng, chống dịch bệnh Hà Nội.
“Trong khi cả hệ thống chính quyền TP Hà Nội cùng hàng nghìn nhân viên y tế, công an, quân đội ngày đêm nơi tuyến đầu căng mình chống dịch thì một hai cá nhân ở CDC Hà Nội nảy lòng tham khiến niềm vui, niềm tự hào về phòng chống Covid-19 thiếu trọn vẹn. Qua phương tiện truyền thông, tôi được biết Hà Nội đã vào cuộc xử lý nghiêm minh, không để con sâu bỏ rầu nồi canh”, anh Mạnh Hưng chia sẻ.
Trước đó trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: "Quan điểm của Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy và Ban chỉ đạo là các trường hợp vi phạm phải được điều tra xử lý nghiêm. Không nương nhẹ bất cứ trường hợp nào. Trong điều kiện dịch bệnh mà vi phạm thì phải là tình tiết tăng nặng. Trên cơ sở báo cáo của Sở Y tế, thành phố sẽ có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ, kết luận. Nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm để làm gương".
"Ăn" tiền phòng dịch là phản bội nhân dân
Nêu quan điểm về vụ việc trên, Thạc sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Có thể nói rằng thông tin về những vi phạm trong hoạt động đấu thầu tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) khiến nhiều người bất ngờ và bức xúc.
Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra thì vai trò, trách nhiệm của lĩnh vực y tế dự phòng, kiểm soát bệnh tật rất quan trọng. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh có chuyên môn chính trong việc đánh giá về tình hình dịch bệnh; phối hợp với các cơ quan chức năng khác trong việc thực hiện các biện pháp để phòng và chống dịch. Tuy nhiên, một số cán bộ của trung tâm này lại bị cáo buộc là đã cấu kết với doanh nghiệp để ăn chặn tiền trong quỹ phòng chống bệnh dịch thông qua hoạt động vi phạm quy định về đấu thầu thiết bị, vật tư y tế. Nếu đúng như cáo buộc thì có thể nói rằng đây là hành vi phản bội nhân dân.
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích vụ việc Giám đốc CDC Hà Nội cùng đồng phạm nâng khống giá tiền mua thiết bị xét nghiệm Covid-19 |
Cũng theo Luật sư Đặng Văn Cường, hành vi trục lợi trong hoạt động đấu thầu thiết bị y tế tại Trung tâm CDC Hà Nội như cơ quan điều tra thông tin là hành vi đáng lên án, táng tận lương tâm. Trong cuộc họp thời gian gần đây phát biểu với báo chí Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã bức xúc về thông tin sai phạm ở Trung tâm này và cho rằng hành vi ăn chặn tiền chống dịch là có tội với nhân dân, phải xử lý nghiêm.
Đây là hành vi Vi phạm pháp luật nghiêm trọng cần phải làm rõ để xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Lợi dụng bệnh dịch để trục lợi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, bởi vậy nếu bị kết án thì các đối tượng này sẽ bị xử lý bằng các chế tài nghiêm khắc theo Điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích, làm rõ hành vi, làm rõ hậu quả để có căn cứ xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật. Trong vụ án có đồng phạm thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ vai trò đồng phạm, đối tượng nào là chủ mưu cầm đầu, đối tượng nào là đối tượng thực hành (trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội), đối tượng nào với vai trò giúp sức, xúi giục để phân hóa vai trò đồng phạm, làm cơ sở để tòa án giải quyết vụ án và có hình phạt phù hợp đối với từng đối tượng.
Trong quá trình điều tra, nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy các đối tượng này ngoài việc thực hiện hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì còn có hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ thì sẽ bị khởi tố thêm về tội danh này.
Các hoạt động có sự cấu kết giữa doanh nghiệp và cán bộ nhà nước trong việc làm sai công vụ thì rất có thể người thi hành công vụ đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người khác do có sự thỏa thuận tiền bạc trước đó.
Pháp luật quy định người nào đưa tiền, tài sản để yêu cầu cán bộ công chức nhà nước thực hiện một công việc theo yêu cầu của người đưa tài sản thì đó là hành vi đưa hối lộ, còn người có chức vụ, quyền hạn nhận tiền, tài sản của người có yêu cầu này là người nhận hối lộ. Tội danh được quy định tại điều 354 và điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015.
“Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người dân, gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế đất nước. Việc huy động nguồn vốn cũng như sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước vào việc mua sắm thiết bị phòng chống dịch bệnh sẽ tiếp tục được diễn ra. Bởi vậy việc phát hiện, làm rõ và xử lý các hành vi trục lợi từ nguồn ngân sách phòng chống dịch bệnh là hết sức cần thiết. Việc xét xử kịp thời, nghiêm minh sẽ là bài học để răn đe cho các đối tượng bất chấp đạo đức, táng tận lương tâm, ăn chặn tiền của nhà nước, bòn rút nguồn ngân sách chống dịch hiện nay”, Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Điều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; b) Thông thầu; c) Gian lận trong đấu thầu; d) Cản trở hoạt động đấu thầu; đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; g) Chuyển nhượng thầu trái phép.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; đ) Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.