Giải pháp để bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động hậu Covid-19
Giải pháp phát huy vai trò của bảo hiểm thất nghiệp trong đào tạo lại lao động Hiểu đúng về bảo hiểm thất nghiệp |
BHTN đảm bảo một phần thu nhập cho người lao động
Những tháng vừa qua, tại các trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai ... người lao động đều bị ảnh hưởng nặng nề do giãn cách xã hội. Trong thời gian này, vai trò của chính sách BHTN càng được thể hiện rõ nét hơn. Cụ thể, những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ dù phải thực hiện giãn cách xã hội vẫn sẽ được đảm bảo một phần thu nhập, được Quỹ BHTN hỗ trợ tới 60% mức lương hàng tháng với thời gian hưởng tối thiểu 3 tháng và vẫn được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Người lao động làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội |
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến hết ngày 5/9/2021, cơ quan BHXH đã xác nhận danh sách cho 795.165 lao động của 29.352 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 62/63 tỉnh, thành phố. Trong đó gồm 613.174 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của 26.821 đơn vị; 80.159 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người của 1.577 đơn vị; 1.010 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của 9 đơn vị; 45.838 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 của 613 đơn vị, được người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc; 35.516 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động) của 181 đơn vị; 19.468 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất của 151 đơn vị.
Tổng thể, lãnh đạo Nhìn BHXH Việt Nam đánh giá, BHTN đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn. Qua đó tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của chính sách bảo hiểm.
Hỗ trợ người lao động sau đại dịch
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, song, sớm muộn cũng sẽ bị đẩy lùi. Trong thời gian tới, các nhà quản lý đã và đang đưa ra các quyết sách nhằm hỗ trợ người lao động thất nghiệp tìm việc làm cũng như thuận tiện hơn trong thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong giai đoạn khó khăn, người lao động luôn có nhu cầu ổn định cuộc sống. |
Ông Trần Tuấn Tú (trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục việc làm - Bộ LĐ-TB & XH) cho hay: Theo Nghị quyết số 125/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB & XH được giao chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách BH thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp; đào tạo nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm mà cần xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động nhằm tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ...
Về giải pháp để bảo hiểm thất nghiệp giữ vai trò quan trọng trong hỗ trợ người lao động hậu Covid-19, ông Trần Tuấn Tú cho rằng: Trước yêu cầu thực hiện chính sách BHTN đạt hiệu quả trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Trong đó, tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách BH thất nghiệp tại Luật Việc làm vào năm 2021- 2022 theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động.
Ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục việc làm - Bộ LĐTB & XH) |
Đồng thời, ông Tú đề nghị khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi BHTN, phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN, bảo đảm BHTN thật sự là công cụ quản trị thị trường lao động. Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện BHTN, bảo đảm tính liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan tổ chức thực hiện, chủ động phát huy giá trị cốt lõi của chính sách BHTN là tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và duy trì việc làm; gắn kết giữa giải quyết các chế độ cùng với việc chi trả BH thất nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện...
Ngoài ra, cần tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm để thực hiện tốt tư vấn và hỗ trợ việc làm. Ðây là hướng giải quyết người thất nghiệp một cách bền vững nhất. Nghiên cứu, xem xét xây dựng mô hình chuẩn của trung tâm dịch vụ việc làm để thực hiện tốt các nhiệm vụ tư vấn, thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm, cung cấp lao động và dạy nghề. Nghiên cứu đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng tham gia BHTN.