Giải đáp băn khoăn về chế độ, chính sách cho người lao động bị nhiễm COVID-19
Đây là chủ đề mà người lao động đang rất quan tâm, có nhiều vướng mắc thực tế cần được tháo gỡ.
Đại biểu dự buổi giao lưu |
Dự buổi giao lưu có các đồng chí: Nguyễn Chính Hữu, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội; Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo thành phố Hà Nội; Lê Thị Bích Ngọc, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Hà Nội... Cùng hơn 100 đoàn viên công đoàn và người lao động thuộc các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Thăng Long.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết, trong 2 năm qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống, việc làm của người lao động.
Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình phát biểu tại buổi giao lưu |
Gần đây, số ca F0 tăng cao. Nhiều người lao động trở thành F0, tiếp tục đối mặt với những khó khăn như sức khỏe và thu nhập bị giảm sút, cuộc sống bị xáo trộn,... Có những chính sách gì hỗ trợ cho người lao động bị nhiễm COVID-19, thủ tục để thụ hưởng chính sách như thế nào?… là vấn đề đang được người lao động đặc biệt quan tâm.
Xuất phát từ thực tế đó, buổi giao lưu trực tuyến nhằm giải đáp những băn khoăn của người lao động, đồng thời góp phần tuyên truyền phổ biến chính sách của Nhà nước, của tổ chức Công đoàn Việt Nam liên quan đến hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; Các chính sách phục hồi thị trường lao động, việc làm, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thích ứng…
Chủ tịch Công đoàn các Khu CN&CX Hà Nội Đinh Quốc Toản phát biểu tại buổi giao lưu |
Theo Chủ tịch Công đoàn các Khu CN&CX Hà Nội Đinh Quốc Toản, trước thực trạng dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến việc làm, đời sống của người dân, Công đoàn thành phố Hà Nội đã sáng tạo, linh hoạt tổ chức nhiều hoạt động chăm lo hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động.
Công đoàn các Khu CN&CX Hà Nội tổ chức các chuyến xe “Ô tô siêu thị 0 đồng”, mở “Siêu thị 0 đồng”, trao trực tiếp các “Túi an sinh công đoàn” là lương thực, thực phẩm thiết yếu cho đoàn viên, người lao động đang phải cách ly, người lao động thực hiện phương án “3 tại chỗ”, phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch.
Những hoạt động trên đã giúp cho người lao động và doanh nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm và đời sống của công nhân lao động (CNLĐ).
Chuyên gia trả lời các câu hỏi từ người lao động |
Hiện tình hình dịch bệnh có xu hướng giảm tuy nhiên đời sống của người lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhà nước, Chính phủ, các ngành, các cấp tiếp tục có những chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động khắc phục khó khăn do dịch bệnh.
“Buổi giao lưu sẽ giúp cho người lao động hiểu sâu hơn về những chính sách mới của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và thành phố Hà Nội”- ông Toản cho biết.
Người lao động đặt câu hỏi tại buổi giao lưu |
Tại buổi giao lưu, các chuyên gia đã giải đáp hơn 40 câu hỏi về các lĩnh vực, trọng tâm là Bộ luật Lao động và BHXH; Chế độ, chính sách người lao động được hưởng khi bị nhiễm COVID-19...
Phát biểu kết thúc chương trình, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc nhấn mạnh báo Lao động Thủ đô luôn sẵn sàng đồng hành và là cầu nối của người lao động đến các chuyên gia và mong muốn trong thời gian tới CNLĐ sẽ tiếp tục đặt câu hỏi, gửi phản hồi về báo để nhận được những giải đáp kịp thời.