Giá lợn hơi tăng mạnh sau "cơn bão" dịch tả lợn châu Phi
Dự báo, trong những tháng cuối năm, giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng cao
Bài liên quan
Khuyến cáo phòng chống các bệnh dịch, khử trùng nước sinh hoạt sau mưa lũ
Hà Nội dự trữ 6 nhóm hàng bình ổn giá
Đẩy mạnh công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm
Hà Nội: 17 quận, huyện đã qua 30 ngày không phát sinh dịch tả lợn châu Phi
Giá lợn tăng mạnh ở cả ba miền
Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy: Hiện giá lợn hơi toàn miền dao động từ 42.000 – 44.000 đồng/kg. Không chỉ các tỉnh đồng bằng, nhiều tỉnh trung du, miền núi giá lợn hơi cũng có mức tăng tương tự.
Cụ thể, tại Bắc Giang, giá lợn hơi tăng lên 3.000 đồng/kg, lên mức 42.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại Vĩnh Phúc và Phú Thọ cũng đồng loạt tăng thêm 1.000 đồng/kg và giữ ở mức 43.000 đồng/kg. Hưng Yên và Thái Bình hiện đang giữ mức cao nhất cả nước là 44.000 đồng/kg.
Thị trường miền Trung, Tây Nguyên cũng ghi nhận mức tăng khá ấn tượng, có nơi tăng tới 4.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Thừa Thiên Huế tăng từ 29.000 đồng/kg lên 33.000 đồng/kg. Các tỉnh khác như: Thanh Hóa, Nghệ An, Vũng Tàu có giá dao động từ 39.000 – 41.000 đồng/kg. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… có giá từ 32 – 33.000 đồng/kg; trong khi Khánh Hòa, Ninh Thuận dao động từ 35.000 đồng/kg.
Riêng khu vực miền Nam, sau khi ghi nhận mức chững lại của đà giảm giá những ngày trước, mấy ngày nay đã xuất hiện dấu hiệu khởi sắc khi một số nơi giá lợn hơi tăng từ 1.000 – 2.000 đồng/kg, với mức giá dao động toàn miền từ 28.000 – 35.000 đồng/kg.
Cụ thể, tại Đồng Nai, lợn hơi xuất chuồng có giá 35.000 đồng/kg, đây là mức giá cao nhất toàn miền. Còn vùng Đông Nam Bộ vẫn duy trì ở mức 30.000 đồng/kg, khu vực Tây Nam Bộ có giá từ 28 – 29.000 đồng/kg. Mức giá này đã cao hơn khoảng 1.000 đồng/kg so với tuần trước.
Theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, nguyên nhân khiến giá lợn tăng trở lại một phần do nguồn cung giảm. Trước đó, lo sợ dịch bệnh tấn công, nhiều hộ chăn nuôi khu vực miền Nam đã bán chạy đàn, khiến giá lợn giảm mạnh. Không chỉ riêng thị trường nội địa bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi mà ở nhiều nước khác cũng chịu thiệt hại từ dịch bệnh này.
Cũng theo đại diện Cục này, từ nay tới cuối năm, giá thịt lợn sẽ biến động mạnh, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Dự đoán cuối năm 2019 đến gần Tết Nguyên đán 2020, Việt Nam có thể thiếu hụt tới 500.000 tấn thịt lợn, chiếm gần 20% tổng nhu cầu.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay nhu cầu sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật của người dân trên địa bàn thành phố từ 900 - 1.000 tấn/ngày. Trong khi đó, toàn thành phố có 259 cơ sở, điểm giết mổ lợn, trong đó, 47 cơ sở, điểm giết mổ được kiểm soát với số lượng bình quân 6.500 - 7.000 con/ngày, chiếm khoảng 60% tổng số lợn giết mổ toàn thành phố, số còn lại là giết mổ nhỏ lẻ. Do đó, vấn đề kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật có vai trò rất quan trọng nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn bán ra thị trường.
Mặt khác, địa bàn Hà Nội rộng, tiếp giáp với nhiều tỉnh, có nhiều tuyến giao thông trọng điểm nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm rất cao. Hiện, Luật Thú y bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh, kiểm dịch trứng gia cầm tươi, trứng thương phẩm nhưng không có hướng dẫn, quy định cụ thể nên đã gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật. Hơn nữa, việc bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh cũng gây bất cập trong kiểm soát giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư hiện nay.
Để khắc phục bất cập trong công tác kiểm dịch, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Sở đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các quận, huyện, thị xã cử cán bộ trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm dịch động vật liên ngành thành phố theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm ngăn chặn các loại động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc vận chuyển vào thành phố.
Đối với cơ sở giết mổ lợn, khi giết mổ phải bảo đảm lợn khỏe mạnh, đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y. Lợn có nguồn gốc rõ ràng, có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục phối hợp, định kỳ lấy mẫu giám sát phân tích chất lượng động vật, sản phẩm động vật của các tỉnh, thành phố đưa về thị trường Hà Nội tiêu thụ và ngược lại để truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Đối với các tỉnh, thành phố cần chủ động thông tin kịp thời những trường hợp kinh doanh sản phẩm động vật vi phạm như giấy kiểm dịch không hợp lệ, vận chuyển không có giấy kiểm dịch, thủ tục kiểm dịch không đúng nơi cấp… nhằm phối hợp kiểm tra và xử lý vi phạm đạt hiệu quả. Về phía các sở, ngành cần tham mưu cho thành phố chỉ đạo những đơn vị liên quan như công an, quản lý thị trường phối hợp với lực lượng thú y để kiểm soát tốt việc truy xuất nguồn gốc gia súc, gia cầm tại các chợ dân sinh. Qua đó hạn chế vi phạm, góp phần ngăn ngừa lây lan mầm bệnh từ các tỉnh, thành khi đưa thịt lợn và lợn thương phẩm về Hà Nội.
“Sở cũng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn sát với thực tế để vừa kiểm soát tốt động vật, sản phẩm động vật đưa vào kinh doanh, vừa tạo thuận lợi cho người sản xuất, kinh doanh”, ông Đăng nhấn mạnh.