Gạo Việt Nam bị cạnh trạnh lớn bởi gạo Thái Lan, Ấn Độ
Giá gạo xuất khẩu cao kỷ lục Thủ tướng họp "nóng” về việc giá gạo giảm |
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông Sản Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tháng 5/2021 ước đạt 750 nghìn tấn với giá trị đạt 406 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021 đạt 2,7 triệu tấn với giá trị 1,48 tỷ USD, giảm 11,3% về khối lượng và giảm 5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Xét về thị trường, cập nhật trong 4 tháng đầu năm 2021, Philippines là nước tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 35,6% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 715,7 nghìn tấn và 381,4 triệu USD, giảm 20,7% về khối lượng và giảm 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Ảnh minh họa. |
Trên thị trường thế giới, trong tháng 5/2021, giá gạo Việt Nam đạt 493 USD/tấn vào đầu tháng và giữ nguyên mức này. Hiện nay nhu cầu mua của các thương nhân nước ngoài không lớn và đang chờ đợi vụ thu hoạch Hè thu.
Trong khi đó, giá gạo 5% của Ấn Độ đạt 374 USD/tấn vào đầu tháng nhưng đã tăng nhẹ vào gần cuối tháng với mức khoảng 382 USD/tấn. Dịch Covid-19 đang khiến cho Ấn Độ rơi vào khủng hoảng lớn, hoạt động logistics bị đình trệ góp phần khiến cho giá gạo trở nên bất ổn, bất chấp việc Chính phủ nước này đang cố gắng mở kho dự trữ để cung ứng lương thực tốt hơn cho người dân bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, giá gạo Thái Lan đạt mức 480 USD/tấn vào đầu tháng và giảm xuống 465 USD/tấn vào gần cuối tháng, nguyên nhân chính là do nhu cầu của thương nhân nước ngoài đối với gạo Thái Lan đang rất thấp, trong khi nguồn cung nội địa khá dồi dào.
Theo nhận định của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông Sản Việt Nam, trong thời gian tới, triển vọng nhu cầu thị trường vẫn tương đối tốt.
Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của nước ta dự đoán có sự cạnh tranh lớn từ các nhà cung cấp khác như Thái Lan, Ấn Độ bởi giá gạo Việt Nam đang cao hơn 20USD/tấn so với Thái Lan và hơn 100USD/tấn với gạo Ấn Độ.
Mặt khác, mới đây, để đảm bảo an ninh lương thực và giảm lạm phát, Phillipines đã xoá bỏ sự chênh lệch về mức thuế giữa nhập khẩu từ ASEAN, ngoài ASEAN và "Tối huệ Quốc" (MFN) phần còn lại với mục tiêu tăng nhập khẩu gạo rẻ hơn từ Ấn Độ và Pakistan
Cụ thể, Philippines đã hạ mức thuế MFN đối với gạo xuống còn một mức duy nhất là 35%, từ chỗ trước đây áp thuế 40% đối với gạo nhập khẩu trong hạn ngạch và 50% đối với nhập khẩu ngoài hạn ngạch, phù hợp với tỷ lệ thuế của ASEAN.