Đồng Nai: Gia đình mù chữ gần 30 năm “cõng” đơn đòi đất cho mượn
Ông Vòng A Dùi bên cạnh ngôi nhà tạm bị cưỡng chế
Đồng Nai: Dân bất bình trước việc cưỡng chế tháo dỡ cống thoát nước phục vụ dân sinh
Đồng Nai: Bất ngờ thu hồi quyết định xử lý tại dự án của Công ty Tân Thiên Nhiên
Cho mượn rồi mất luôn đất?
Theo đơn cầu cứu của ông Tchềnh Khoan Sáng (ngụ ấp 1, xã Phú Vinh, huyện Định Quán, Đồng Nai), năm 1965 gia đình ông tự khai phá được mảnh đất khoảng 25.000m2 (chiều ngang 40m, chiều dài 625m2, thuộc xã Phú Hoa, huyện Tân Phú (nay là ấp 5, xã Phú Vinh, huyện Định Quán) và canh tác ổn định không tranh chấp với ai.
Đến năm 1977, lãnh đạo xã Phú Hoa cùng Ban Giám đốc Đội cầu đường Xuân Lộc – Long Khánh (thuộc Ty Giao thông Vận tải Đồng Nai cũ) tìm đến nhà ông Vòng Nãi Bố (cha của ông Sáng) để “mượn” một phần đất của gia đình làm nơi ở cho công nhân và nơi để xe, bồn chứa dầu cho Đội cầu đường.
Nhận thấy đây là việc làm thiết thực nên gia đình ông đã đồng ý cho mượn một phần đất trên.
Đến năm 1989, gia đình ông Bố (nay ủy quyền cho ông Sáng) làm đơn khiếu nại xin lại phần đất 7.400m2 (trong tổng số 25.000m2) thì được UBND huyện Tân Phú cũ giao lại 4.200m2 đất (phần diện tích này đã được gia đình sang nhượng cho người khác). Phần diện tích 3.200m2 còn lại (phần đất theo gia đình đã cho Đội cầu đường mượn) phía chính quyền cho rằng “không có căn cứ pháp lý để giải quyết” và chỉ giao lại một phần diện tích đất (khoảng 746,7m2) nơi có mồ mả của thân tộc để ông tiện chăm sóc.
Theo Quyết định số 589/QĐCT-UBT ngày 8/3/2002 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về giải quyết đơn khiếu nại của ông Sáng, phần đất 2.693,9m2 (diện tích do UBND huyện Định Quán đo đạc) có nguồn gốc do gia đình ông Sáng khai phá. Sau đó, UBND xã Phú Hoa đã thu hồi giao cho Đội cầu đường sử dụng từ năm 1977, đồng thời căn cứ vào văn bản trả lời đơn trước đó của UBND huyện Định Quán cho rằng phần đất này thuộc đất công do Nhà nước quản lý.
Quyết định số 589/QĐCT-UBT ngày 8/3/2002 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về giải quyết đơn khiếu nại, thừa nhận phần đất này là do gia đình ông Sáng khai phá |
Tuy nhiên, theo ông Sáng: “Chính Quyết định 589 của UBND tỉnh Đồng Nai đã thừa nhận phần đất 2.693,9m2 là do gia đình tôi khai phá. Tuy nhiên, nếu cho rằng đất chúng tôi đã bị thu hồi thì tại sao lúc thu hồi lại không được bồi thường hay không được hoán đổi đất khác?”.
Cũng theo ông Sáng, rất nhiều lần ông đề nghị cung cấp giấy tờ liên quan đến việc thu hồi đất nói trên nhưng chưa bao giờ nhận được thông tin phản hồi từ chính quyền nơi đây.
Trong khi việc thu hồi đất của chính quyền địa phương còn nhiều nghi vấn, thì việc mượn đất của Đội cầu đường lại được chính người dân địa phương và lãnh đạo cũ của đơn vị này lên tiếng xác nhận cho gia đình ông Sáng.
Cụ thể, theo Giấy xác nhận của Ban Giám đốc đoạn cầu đường Xuân Lộc – Long Khánh, gồm ông: Vũ Xuân Mão, chức vụ Đoạn trưởng (Đội trưởng Đội cầu đường); ông Nguyễn Văn Kiếm, chức vụ Đoạn phó, cho biết: “Sau khi được sự đồng ý của ông Vòng Nãi Bố, ông dắt chúng tôi đi và chỉ khu đất sát quốc lộ 20, chiều ngang 40m, chiều dài chúng tôi thấy dài quá nên Ban Giám đốc chúng tôi thống nhất là tạm mượn chiều dài 60m”.
Xác nhận của nguyên lãnh đạo Đội cầu đường cũ trước đây đã mượn đất của gia đình ông Sáng |
Hai lãnh đạo này còn xác nhận, trước khi giải thể Đội cầu đường cũ để sáp nhập thành Công ty Cầu đường 2 Long Khánh, Ban Giám đốc công ty đã họp và thống nhất chủ trương trả lại đất cho gia đình ông Vòng Nãi Bố. Đồng thời khẳng định, việc mượn đất là hoàn toàn đúng sự thật.
Mất đất, người dân lâm cảnh bần cùng
Sau khi Đội cầu đường giải thể, gia đình đã nhiều lần có đơn khiếu nại xin lại phần đất trên nhưng không được xem xét giải quyết.
Người dân sống gần đây cho biết, gia đình ông Sáng vốn là người dân tộc thiểu số, lại mù chữ, trước đây có đến 3 thế hệ trong gia đình sống chung một căn hộ với nhiều nhân khẩu, cuộc sống vô cùng khó khăn.
Ngày trước, trên phần đất này có gia đình ông Vòng A Dùi (em cùng mẹ khác cha với ông Sáng) sinh sống. Thời gian gần đây, phía chính quyền xã Phú Vinh lại cho lực lượng, phương tiện tới cưỡng chế, phá dỡ căn nhà tạm của ông vì cho rằng xây dựng trên đất công do Nhà nước quản lý. Việc làm trên đã đẩy gia đình ông Dùi lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Gia đình ông Dùi được xác nhận thuộc diện hộ nghèo của xã, bản thân ông là người mù chữ, không am hiểu pháp luật. Sau khi bị cưỡng chế, gia đình ông rơi vào cảnh bần cùng, vợ và 4 đứa con nhỏ phải đi làm thuê và ở trọ tại chỗ, còn ông Dùi phải đi ở nhờ nhà người khác.
Khu đất nằm ngay cạnh UBND xã Phú Vinh. |
Chỉ tay về phía khu đất nơi có căn nhà tạm vừa bị chính quyền cưỡng chế, ông Vòng A Dùi ngậm ngùi cho biết: “Họ nói là tôi lấn chiếm đất công, rồi cho lực lượng vào cưỡng chế. Tôi không biết là mình đang chiếm đất của ai? Vì đất này trước đây là của bố mẹ tôi khai phá rồi cho Nhà nước mượn, giờ đòi lại người ta nói rằng đất công… Bao năm đi làm thuê, làm mướn dựng tạm được căn nhà để vợ con có nơi nương thân, nay cũng bị phá bỏ, rồi đây vợ con tôi biết sống ra sao?”.
Trước những thông tin trên, ngày 16/10, phóng viên đã liên hệ UBND huyện Định Quán để xác minh. Tuy nhiên, từ lúc tiếp nhận nội dung đến nay, đơn vị này vẫn chưa có thông tin phản hồi.
Trong khi đó, thông tin với báo chí, UBND xã Phú Vinh cho rằng, phần đất gia đình ông Sáng khiếu nại sau khi tách xã, UBND xã không được bàn giao về hồ sơ khu đất này. Đồng thời, UBND xã cho biết, những nội dung trên không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND xã nên đề nghị phóng viên liên hệ đến các cơ quan có thẩm quyền để được cung cấp.
Liệu phần đất này có thực sự đã bị thu hồi? Nếu thu hồi thì vì sao không có phương án bồi thường hay hoán đổi đất cho người dân để ổn định cuộc sống?
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.
Bài liên quan
Luật sư vào cuộc giúp dân miễn phí khởi kiện doanh nghiệp "quỵt tiền"
Cư dân rút đơn kiện, muốn giữ lại tầng 30 của tòa nhà 93 Lò Đúc
Hành hung người cao tuổi vì bị bác đơn kiện giành quyền sở hữu chùa