Đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu: Cần thống nhất cách làm, không để người dân hoang mang
Các quận, huyện đã nghiêm túc tuyên truyền, đóng cửa các dịch vụ kinh doanh không cần thiết
Bài liên quan
Đóng cửa hàng quán phòng, chống dịch Covid-19: Cần sự đồng lòng của người dân
Quán bar vẫn cho khách vào "thác loạn" giữa đại dịch Covid-19
Chủ tịch UBND TP đề nghị các cửa hàng không thiết yếu đóng cửa tới ngày 5/4
Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội chiều nay (27/3), Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết: Do cách hiểu, cách làm chưa đồng nhất, có phường đã chỉ đạo đóng cửa các đơn vị kinh doanh, phân phối hàng hóa.
Nhiều người dân hoang mang lo sợ hệ thống phân phối bị đóng cửa nên trong sáng 27/3, lượng người dân đi mua sắm đã tăng gấp đôi ở chợ và các hệ thống phân phối.
Sở đã phải liên hệ với các quận, huyện tuyên truyền ngay để người dân không hoang mang, các hệ thống phân phối hàng hóa đều hoạt động bình thường…
Cũng lo lắng bị đóng cửa, một số siêu thị điện máy đã đối phó bằng cách đưa thêm cả hàng hóa thiết yếu vào để bán, tạo ra môi trường phức tạp cho công tác phòng dịch. Sở Công thương đã phải tiến hành kiểm tra, xử lý.
Ngoài các siêu thị chuyên biệt về hàng hóa thiết yếu, cửa hàng xăng dầu, hiệu thuốc, Sở kiến nghị TP có văn bản chỉ đạo quyết định việc các trung tâm thương mại chỉ được mở cửa siêu thị ở trong; siêu thị được mở cửa bán hàng nhưng không được tổ chức kinh doanh vui chơi giải trí; các hàng chợ bán rau củ quả, thực phẩm, tiện lợi, tạp hóa, trái cây, hoa quả, được mở cửa phục vụ nhân dân…để thống nhất cách làm, không để người dân hiểu nhầm, hoang mang…
Tại phiên họp các quận, huyện cũng báo cáo về việc đã nghiêm túc tuyên truyền, đóng cửa các dịch vụ kinh doanh không cần thiết. “Đề nghị Sở Công thương có văn bản, hoặc tập huấn rõ để cơ sở xác định rõ các mặt hàng thiết yếu; các cửa hàng được mở cửa, tránh tình trạng lúng túng”, ông Nguyễn Xuân Lưu, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân nói.