Cần thêm các giải pháp mạnh mẽ để “xanh hóa” thương mại điện tử
Tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử TikTok đồng hành cùng Ngày hội mua sắm trực tuyến ASEAN 2024 Phát triển thương mại điện tử: Cơ hội, động lực và thách thức |
Lượng rác thải nhựa “khổng lồ”
Những năm gần đây, lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng. Quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2025, quy mô thị trường sẽ tăng lên 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng. Tuy nhiên, sự tăng trưởng đó đã kéo theo sự gia tăng lượng rác thải nhựa "khổng lồ".
Theo tính toán của nhóm chuyên gia tư vấn Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2023, thương mại điện tử ở Việt Nam sử dụng 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn.
Với tốc độ tăng trưởng trên 25% mỗi năm có thể tới năm 2030 quy mô thương mại điện tử nước ta sẽ gấp trên 4,7 lần. Nếu không có các giải pháp mạnh mẽ về đóng gói hàng hóa thì khi đó lượng rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ lên tới 800 nghìn tấn.
Ảnh minh họa |
Đáng chú ý, phần lớn thương mại điện tử ở Việt Nam tập trung ở các địa phương ven biển hoặc bên sông lớn chảy ra biển như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Nha Trang.
Bao bì được sử dụng trong dịch vụ logistics và hoàn tất đơn hàng từ các nền tảng hoặc thương nhân bán hàng trực tuyến tới người tiêu dùng cuối cùng tạo ra lượng lớn rác thải, đặc biệt là các loại rác thải nhựa. Mức độ sử dụng bao bì cao một phần do thương nhân và doanh nghiệp chuyển phát có xu hướng đóng gói cẩn thận quá mức cần thiết. Đồng thời, người tiêu dùng cũng có khuynh hướng muốn nhận được sản phẩm nhanh, đặc biệt trong dịch vụ gọi đồ ăn công nghệ.
Theo Báo cáo chất thải nhựa bao bì từ thương mại điện tử tại Việt Nam 2023, do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam thực hiện, trong khuôn khổ dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam, một trong những tác động tiêu cực lớn nhất của thương mại điện tử tới môi trường là làm tăng lượng rác thải bao bì.
Cụ thể, đối với ngành quần áo, thời trang, phụ kiện, có đến 90% thương nhân sử dụng hộp carton, túi nilon để đóng hàng. Phần lớn các đơn hàng đều sử dụng vật liệu chèn là mút xốp và xốp nilon bóng khí với tỷ lệ tương ứng là 30% và 35%; hầu hết đơn hàng đều sử dụng vật liệu phụ trợ là băng keo nhựa. Đối với đồ ăn công nghệ, hầu như tất cả bao bì và vật liệu đi kèm như dao, thìa, dĩa… là nhựa. Khối lượng bao bì trung bình cho mỗi đơn đồ uống là 45g và đồ ăn là 63g…
Phần lớn các đơn hàng thương mại điện tử đều sử dụng vật liệu chèn là mút xốp và xốp nilon bóng khí |
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), số lượng rác thải thải ra từ thương mại điện tử phải tăng ít nhất gấp 5 lần so với thương mại truyền thống.
Ông Tuấn lý giải, chúng ta cứ nghĩ thương mại điện tử ngồi ở nhà gọi điện, truy cập mạng thì lượng rác thải ít hơn mua truyền thống. Thực tế, một đơn hàng giá trị nhỏ nhất đã phải đóng gói và sử dụng các vật liệu từ carton, túi nylon, băng keo… trong khi đó, nếu mua hàng truyền thống thì có thể sử dụng túi nylon ít hơn và gần như không sử dụng băng keo, bìa carton.
Xây dựng, thực thi chính sách môi trường liên quan
Những năm gần đây, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng về bảo vệ môi trường như Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, mục tiêu năm 2025 là sử dụng 100% túi ni lông thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương...
Tuy nhiên, hiện nay các chính sách về kinh tế số và thương mại điện tử phần lớn vẫn tập trung vào các giải pháp cho phát triển nhanh. Vì vậy đã đến lúc, chúng ta cần thiết phải có các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số và thương mại điện tử một cách bền vững, thân thiện môi trường. Trong đó, người tiêu dùng trực tuyến và các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng như logistics là những đối tượng nòng cốt thực thi các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững.
Theo Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Nguyễn Hữu Tuấn, để phát triển thương mại điện tử bền vững cần 6 nhóm đối tượng tham gia trực tiếp vào giảm rác thải nhựa gồm: Khối cơ quan quản lý Nhà nước; người tiêu dùng; doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics; cơ quan truyền thông, báo chí; hiệp hội, ngành hàng và các tổ chức xã hội nghề nghiệp cùng các đơn vị liên quan khác.
Về chính sách, theo ông Tuấn, cần ưu tiên và có chính sách hỗ trợ các giải pháp giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường trong thương mại điện tử; xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn đánh giá và nhận diện các doanh nghiệp thương mại điện tử xanh, mô hình thương mại điện tử bền vững.
Đồng thời, chúng ta cần khuyến khích doanh nghiệp và người bán hàng trong thương mại điện tử áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường; ưu tiên sử dụng nguyên liệu tái chế hoặc các sản phẩm đóng gói có thể phân hủy sinh học, giảm thiểu lượng rác thải.
WWF Việt Nam khuyến nghị, ngay từ năm nay, Việt Nam cần thống kê chính thức bao bì và vật liệu, dụng cụ nhựa trong thương mại điện tử. Thông tin đầy đủ, tin cậy về quy mô rác thải nhựa sẽ là cơ sở đầu vào quan trọng để xây dựng và thực thi chính sách.
Cùng với đó, Việt Nam cần ban hành chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn đóng gói thân thiện môi trường. Khi sửa đổi, bổ sung Luật Bưu chính, Việt Nam phải có các quy định, tiêu chuẩn cụ thể đối với hoạt động đóng gói của thương nhân, các công ty chuyển phát và những bên liên quan.