Đồng bằng sông Cửu Long cần đầu tư cho hệ thống trạm đo mặn
Cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang quan trắc mẫu nước tại trạm Bảo Định, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) |
Cụ thể, trên sông Hàm Luông và Cửa Đại, độ mặn 4g/l xâm nhập sâu nhất khoảng 32 - 34 km; trên sông Cổ Chiên độ mặn 4g/l xâm nhập sâu nhất khoảng 24 - 26 km.
Nhưng trên sông Vàm Cỏ Tây, mặn vẫn còn ở mức cao và xâm nhập xâu hơn so với cùng kỳ 2016. Ranh mặn 4g/l cách cửa biển Soài Rạp hơn 60 km; ranh mặn 1g/l cách cửa biển Soài Rạp hơn 120 km.
Trên sông Vàm Cỏ Đông, mặn giảm dần ở mức thấp hơn so với cùng kỳ 2016. Ranh mặn xâm nhập 4g/l cách cửa biển Soài Rạp hơn 40 km. Ranh mặn 1g/l cách cửa biển Soài Rạp hơn 60 km.
Cán bộ nông nghiệp huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) kiểm tra nồng độ mặn |
Với tình hình diễn biến mặn còn tiếp diễn trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Đài KTTV khu vực Nam Bộ cho rằng, cần tập trung chuyên sâu nghiên cứu các giải pháp hữu hiệu trong thích ứng và giảm nhẹ thiệt hại do hạn mặn; đồng thời, tăng cường phát triển mạng lưới điều tra khảo sát đo mặn cả về không gian và thời gian.
Để đáp ứng cập nhật diễn biến xâm nhập mặn nhanh chóng, các cơ quan chức năng cần kịp thời phải thực hiện đo mặn liên tục hàng ngày; ưu tiên quan tâm đầu tư trang thiết bị máy đo mặn cả về số lượng lẫn chất lượng tại các trạm đo mặn của Đài khu vực; Ngoài ra, sớm bổ sung các trạm đo mặn tăng cường và các trạm trong quy hoạch 90/QĐ-TTg vào mạng lưới đo mặn cơ bản chính thức. Từng bước tự động hóa hệ thống các trạm quan trắc đo mặn tự động của ngành KTTV.
Theo Đài KTTV khu vực Nam bộ, năm 2020, độ mặn lớn nhất tại các trạm đo trên các cửa sông thuộc khu vực Nam Bộ phần lớn xuất hiện sớm vào khoảng thời gian trong tháng 2 đến tháng 4 của năm (tùy nơi). Mặn xâm nhập sâu vào trong nội đồng và xuống khá chậm so với năm 2016 và trung bình nhiều năm.
Nguyên nhân khách quan được chỉ ra là do mực nước khu vực sông Mê Công ở mức thấp, tổng lượng dòng chảy về đầu nguồn thiếu hụt; trong khi đó, mùa mưa khu vực Nam Bộ thì đến khá muộn (vào giữa cuối tháng 5/2020).
Có thể nói, xâm nhập mặn diễn ra sớm với diện sâu và rộng, duy trì trong thời gian dài ở các tỉnh ĐBSCL. Độ mặn lớn nhất năm 2020 tại các cửa sông ở khu vực Nam Bộ phần lớn xuất hiện sớm hơn so với năm 2016 và trung bình nhiều năm (TBNN). Lưu lượng nước về ĐBSCL năm 2020 nhỏ hơn nhiều so với TBNN và nhỏ hơn năm 2016.
Mặn mùa khô năm 2019 - 2020 xâm nhập sâu vào trong nội đồng và xuống khá chậm so với năm 2016 và trung bình nhiều năm.
Từ nhận định xu thế KTTV và diễn biến mưa lũ năm 2019 trên lưu vực sông Mê Công, từ giữa tháng 10/2019, Đài KTTV khu vực Nam Bộ đưa ra cảnh báo sớm tình hình thiếu nước, khả năng xâm nhập mặn sớm và sâu trong mùa khô năm 2019 - 2020 tại khu vực Nam Bộ và khuyến cáo các địa phương chủ động phòng tránh.
Công tác đo mặn đã được triển khai từ đầu tháng 12/2019. Số liệu đo mặn được liên tục cập nhật thường xuyên trên phần mềm Mặn Online của Đài Nam Bộ; bản tin dự báo xâm nhập mặn khu vực Nam Bộ được cập nhật thường xuyên, nhanh chóng, kịp thời.
Mạng lưới trạm đo mặn khu vực Nam Bộ với 39 trạm đo cơ bản, 12 - 18 điểm đo tăng cường, 14 tuyến khảo sát dọc sông, phân bố trải rộng 11 tỉnh thành: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh. |
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |