Doanh nghiệp tiếp tục cần sự hỗ trợ để chống chọi với dịch Covid-19
Doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Trần Quốc Phương nhận định, tác động của dịch lần này đến nền kinh tế rất lớn. Có thể thấy rõ, dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực ngay lập tức đến ngành du lịch và vận tải hành khách. Khách du lịch trong nước hủy tour, hủy hợp đồng khiến vận tải hành khách ngưng trệ.
Những năm trước, đợt nghỉ lễ 2/9, Công ty CP Bến xe Hà Nội đều lên kế hoạch tăng cường xe, lượt chuyến và có các phương án đảm bảo nhu cầu đi lại tăng vọt của người dân. Như năm 2019, Công ty đã tăng cường 300 lượt xe cho các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm trong giai đoạn cao điểm từ 26/8 – 5/9. Song năm nay, dịp nghỉ lễ 2/9, doanh nghiệp không có bất kỳ kế hoạch tăng chuyến nào do nắm bắt được nhu cầu đi lại của người dân giảm hẳn. Đại diện công ty này cho hay, từ sau khi dịch Covid-19 đợt 2 bùng phát trở lại cuối tháng 7, vận tải xe khách lại tiếp tục lao đao. Không chỉ các doanh nghiệp xe tuyến đi Đà Nẵng (3 doanh nghiệp tại bến xe phía Nam chạy tuyến Hà Nội - Đà Nẵng với 10 chuyến/ngày) tạm ngừng hoạt động, lượng khách tại các tuyến khác cũng giảm dần cả chiều đi và chiều về.
Doanh nghiệp vận tải hành khách lao đao vì Covid-19 (Ảnh minh họa) |
Chị Lý Thị Minh, kế toán một công ty in ấn trên phố Trần Quý Cáp, Hà Nội cho biết, đợt dịch lần đầu doanh nghiệp bị giảm doanh thu nặng nề, khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Đợt dịch lần 2 đỡ hơn nhưng cũng chưa ăn thua gì.
“Mọi hoạt động kinh tế bị đình trệ nên hoạt động in ấn của doanh nghiệp hầu như chỉ cầm chừng. Các công ty chủ yếu in ấn để phục vụ cho các hoạt động quảng cáo lớn nhưng doanh nghiệp khó khăn nên họ cũng cắt giảm nhiều, tồn tại được là tốt lắm rồi”, chị Minh chia sẻ thêm.
Với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, khó khăn không chỉ trong mùa dịch mà còn là sau mùa dịch doanh nghiệp sẽ làm gì là câu hỏi mà chị Doãn Thị Mai, Giám đốc Công ty TNHH TMA chia sẻ với chúng tôi. Chuyên hoạt động sản xuất hàng may mặc xuất sang Mỹ, hiện các hoạt động xuất khẩu tại công ty sang thị trường này đã phải dừng hoàn toàn do sự bùng phát của dịch bệnh. Chị cho biết, doanh nghiệp hiện đang hoạt động online cầm cự qua giai đoạn khó khăn để vực dậy sau đại dịch. Điều chị lo ngại nhất là sau dịch thì không biết làm gì vì đơn hàng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Mỹ.
“Trong khi tình hình dịch bệnh tại Mỹ thì như vậy, biết bao giờ mới mở cửa thị trường trở lại để chúng tôi có thể xuất hàng trở lại. Chẳng biết doanh nghiệp có đủ sức tồn tại đến lúc Mỹ cho phép nhập khẩu hàng trở lại không ấy”, chị Mai băn khoăn.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, do tâm lý lo sợ dịch kéo dài, người dân đã chủ động tiết giảm chi tiêu khiến nhiều hoạt động kinh tế lâm vào đình trệ. Từ đó, tiếp tục tác động xấu đến hoạt động của các DN sản xuất và thương mại. Các DN của Hà Nội, nhất là các DN nhỏ và vừa chưa kịp hồi phục qua đợt dịch Covid-19 lần 1, nay lại gặp "cơn bão mới" và chuyện bị phá sản không phải là viễn cảnh xa vời.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được hỗ trợ hơn nữa
Trên thực tế, những hỗ trợ từ phía Chính phủ đối với các doanh nghiệp trong đợt Covid-19 bùng phát lần 1 đã đến được một số đối tượng cụ thể; Như doanh nghiệp in ấn kể trên đã được giảm lãi suất ngân hàng, được hoãn đóng tiền thuê đất. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp nhỏ hơn, chưa tiếp cận được vốn ngân hàng thì những hỗ trợ quan trọng về vốn hầu như không đến được.
Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ rộng hơn, trúng hơn từ phía Nhà nước |
Chị Doãn Thị Mai, Giám đốc Công ty TNHH TMA mong muốn thành phố cần có các giải pháp, hỗ trợ quyết liệt hơn nữa, có các bước, tiêu chí, quy trình hướng dẫn cụ thể, nhanh, đúng, trúng và kịp thời đến các doanh nghiệp.
“Công ty nhỏ lẻ như tôi thì chỉ được hỗ trợ lương tối thiểu 1,8 triệu đồng cho nhân viên ảnh hưởng bởi dịch bệnh chứ các chính sách khác như vay tín dụng, thuế, bảo hiểm không được hỗ trợ nhiều. Hiện tại, bên tôi đã và đang làm thủ tục để hưởng hỗ trợ. Chắc phải đợi thêm khoảng thời gian nữa để chờ xét duyệt và triển khai”, chị Mai cho biết.
Tương tự, chị Thu Hà, chủ một cửa hàng kinh doanh hải sản lớn trên đường Giải Phóng cho biết: “Cho đến bây giờ, cửa hàng chưa có được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía Nhà nước. Cửa hàng cũng chỉ có 3-4 nhân viên, doanh thu giảm khoảng 30% nhưng chúng em vẫn cố gắng duy trì. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thêm nữa, nhu cầu ăn uống chi tiêu của người dân giảm mạnh thì thực sự chúng em cũng rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước, dù là nhỏ thôi cũng được”, chị Hà phân trần.
Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, rõ ràng, trong thời gian tới, Chính phủ cần rà soát lại các gói hỗ trợ trong bối cảnh làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ hai để nghiên cứu, xem xét, tháo gỡ vướng mắc một cách nhanh chóng cho doanh nghiệp; Tiếp đó, cần mở rộng những gói hỗ trợ, thời gian, thời hạn và cả đối tượng cần hỗ trợ như doanh nghiệp đề xuất.
Hiện nay, dịch bệnh vẫn còn những diễn biến khó lường, đặc biệt là trên thế giới chưa có dấu hiệu thuyên giảm nên doanh nghiệp ở một số lĩnh vực đã khó sẽ càng khó khăn hơn. Câu chuyện hỗ trợ DN thời điểm này một lần nữa tiếp tục được đưa ra xem xét như một vấn đề cấp bách chứ không thể đợi DN đổ vỡ, phá sản rồi mới tính toán đến phương án hỗ trợ. Trong tình hình mới lần này, Chính phủ cần tiếp tục xem xét cho giãn, hoãn các khoản thu, hỗ trợ DN có đủ sức chống chịu dịch bệnh khi nguồn lực đã cạn kiệt.
Theo Quyết định số 1369/QĐ-BKHĐT, ngày 7/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê tiếp tục tiến hành cuộc Điều tra đột xuất đánh giá tác động của dịch tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lần thứ 2. Mục đích của cuộc điều tra lần này nhằm thu thập thông tin về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đánh giá mức độ hỗ trợ và sự lan tỏa của các chính sách của Chính phủ, các cấp, các ngành đối với doanh nghiệp trong thời gian qua. Thông qua đó, Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương có các chính sách, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh giúp doanh nghiệp ứng phó tốt hơn trước dịch Covid-19 lần 2.