Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội làm việc với các cơ quan TP trước kỳ họp thứ 5
Hà Nội: Khai mạc phiên chất vấn đầu tiên theo Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hà Nội: Phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều khó khăn do nguồn lực đầu tư lớn |
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Phạm Thị Thanh Mai chủ trì buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc |
Kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông đã báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 4 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 8 tháng còn lại năm 2023.
Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2023 của TP tăng 5,8%, thấp hơn kịch bản đề ra và cùng kỳ năm 2022 nhưng cao hơn GDP cả nước. Sản xuất 4 tháng đầu năm tiếp tục phát triển, tuy nhiên, có xu hướng tăng thấp hơn cùng kỳ; Trong khi, kinh doanh dịch vụ phục hồi khá, các lĩnh vực dịch vụ tăng cao hơn cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 4 tháng đầu năm là 185.997 tỷ đồng, đạt 52,7% dự toán, tăng 27,1% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương là 24.671 tỷ đồng, đạt 23,5% dự toán, tăng 27,2% so với cùng kỳ.
Cũng trong 4 tháng qua, TP đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trình hội đồng thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến 2045, tầm nhìn đến 2065; Song song với đó là việc tổ chức báo cáo bước đầu Luật Thủ đô (sửa đổi).
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông báo cáo tại buổi làm việc |
Tiếp đó, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Sỹ Trường đã nêu 9 nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri Thủ đô với kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV.
Đáng chú ý, cử tri và Nhân dân Thủ đô hoan nghênh Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời ban hành các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các luật quan trọng có tác động lớn đến đời sống xã hội, đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi)...
Đồng chí Nguyễn Sỹ Trường cũng nêu 7 nội dung đề xuất của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; Trong đó đề nghị Quốc hội nghiên cứu, tổng hợp ý kiến góp ý của Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), phản hồi những nội dung, ý kiến không được tiếp thu để Nhân dân được rõ và sớm ban hành luật quan trọng này.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe đại diện Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân TP báo cáo, các ĐBQH đã thảo luận nêu thêm một số vấn đề cử tri kiến nghị và công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Thủ đô.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường trình bày báo cáo kiến nghị cử tri |
Tập trung trí tuệ và tinh thần trách nhiệm
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đinh Tiến Dũng khẳng định, thành tích mà TP đạt được thời gian qua là kết quả của sự cố gắng của các cấp, các ngành, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô; Trong đó, có sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của các đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH TP.
Theo Bí thư Thành ủy, nhiệm vụ 8 tháng còn lại năm 2023 là rất nặng nề, đòi hỏi TP phải tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tập trung trí tuệ, đổi mới, sáng tạo, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; Thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2023 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; Thực hiện quyết liệt việc khắc phục các hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2022...
Thống nhất với các giải pháp đã nêu trong các báo cáo của các cơ quan, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh thêm 6 nội dung quan trọng.
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nêu ý kiến tại buổi làm việc |
Đáng chú ý, đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XVII và các nhiệm vụ, chương trình công tác năm 2023 của Thành ủy đã đề ra; Thực hiện tốt sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ 2020-2025; Hoàn thiện các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Tập trung hoàn thiện 3 nhiệm vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2023 gồm: Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến 2045, tầm nhìn đến 2065; Luật Thủ đô (sửa đổi).
Các cấp, ngành TP cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; Giải ngân vốn đầu tư công; Tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ cấp phép, thực hiện các dự án; Thực hiện quyết liệt các giải pháp giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án, nhất là các dự án trọng điểm, công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, có sức lan tỏa; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xử lý các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn...
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Trưởng đoàn ĐBQH TP đề nghị HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các vị ĐBQH trong Đoàn hoạt động theo nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Các vị ĐBQH trong Đoàn tiếp tục quan tâm, theo dõi, nắm chắc các hoạt động của TP, các chủ trương chỉ đạo, lãnh đạo của TP để có thêm thông tin thực tiễn của địa phương trong hoạt động nghị trường của Quốc hội, tiếp tục quan tâm, tăng cường giám sát đồng hành cùng thành phố triển khai các nhiệm vụ, những chủ trương lớn sắp tới.
Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các Sở, ngành tiếp thu các ý kiến phát biểu của các vị ĐBQH để triển khai quyết liệt hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm.
UBND TP, các các cấp, các ngành phải tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém đã được nêu trong các ý kiến, kiến nghị của các đoàn giám sát để phát triển kinh tế - xã hội đạt mức tăng trưởng cao nhất, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.