Dinh dưỡng ngày Tết hợp lý cho những người mắc bệnh mãn tính
Những phong tục đón Tết cổ truyền Việt Nam Những cái Tết đáng nhớ của Bác ở Hà Nội Tết ấm áp trong vòng tay đồng đội Tết xa nhà của người trẻ Việt |
Bia rượu, bánh kẹo, các món ăn nhiều đạm, tinh bột ảnh hưởng sức khoẻ ra sao?
Trong ngày Tết Nguyên đán, mỗi gia đình người Việt đều có nhiều món ăn đặc trưng như bánh chưng, dưa hành, mứt, thịt, rượu, bia... Các món ăn này tuy nhiều dinh dưỡng nhưng lại chưa phù hợp với những người mắc bệnh mạn tính như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường….
Mâm cỗ ngày Tết với nhiều món ăn giàu đạm, tinh bột, đường ảnh hưởng đến sức khoẻ người mắc bệnh mãn tính |
Đối với người có nguy cơ thừa cân cần lưu ý, bánh chưng, bánh tét là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết nhưng lại là món cung cấp năng lượng rất lớn, một miếng bánh chưng nhỏ khoảng 50g cung cấp khoảng 150kcal, bằng một lưng chén cơm. Mỗi ngày chỉ cần ăn thêm 2 - 3 miếng thì năng lượng khẩu phần đã tăng lên đáng kể.
Ăn uống trong dịp Tết thường không được điều độ, không đúng bữa, số bữa ăn thường cũng nhiều hơn và là mâm cỗ nên xu hướng nhiều món ăn, trong đó rất nhiều món từ thịt cá, ít món rau, do vậy mức tiêu thụ thịt cá các loại tăng lên rất nhiều so với bữa ăn hàng ngày dẫn đến khẩu phần ăn mất cân đối. Chế độ dinh dưỡng này rất nguy hại đối với những người mắc bệnh gút, tăng huyết áp...
Rượu bia là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết, nếu uống quá nhiều, cứ nâng cốc là phải cạn chén thì nguy cơ đến sức khỏe không hề nhỏ, ngoài nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông, còn có nguy cơ cao đối với các bệnh tim mạch, gút, tăng huyết áp, đái tháo đường...
Việc sử dụng nhiều thực phẩm giàu đường như bánh, kẹo, nước ngọt... hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe, nguy cơ tăng cân ở người thừa cân béo phì, tăng đường huyết ở người bệnh đái tháo đường...
Bên cạnh đó, những món xào ngày Tết cũng sử dụng các loại gia vị chứa muối như muối ăn, nước mắm, bột gia vị, hạt nêm, dưa muối, hành muối là món ăn truyền thống, làm giảm độ ngán khi ăn nhiều món ăn giàu chất đạm, chất béo, tuy nhiên ở người tăng huyết áp nên hạn chế những món ăn này.
Cân đối dinh dưỡng hợp lý ra sao?
GS.TS Lê Thị Hợp, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: "Những bữa ăn quá nhiều chất dinh dưỡng, không theo giờ giấc trong dịp Tết sẽ làm hệ tiêu hóa bị xáo trộn, có thể gây ra tình trạng đầy hơi, trướng bụng, có cảm giác ậm ạch, ợ hơi, ợ chua, nhẹ sẽ gây rối loạn tiêu hóa, nặng hơn thì gây ra các bệnh tiêu hóa khác như các bệnh dạ dày, gan, mật, tụy...
Vào dịp Tết, tỷ lệ người sử dụng rượu bia tăng lên, điều này làm tăng gánh nặng cho gan, với người bị bệnh gan mạn tính có thể gây ra đợt viêm gan cấp.
Do đó, những người mắc bệnh mãn tính khi thay đổi chế độ ăn so với thông thường, dễ bị “dính” bệnh hơn những người khác.
Bởi đây là nhóm đối tượng dễ bị tác động, ví dụ người mắc bệnh tăng huyết áp, chỉ cần một chút rượu cũng có thể dẫn tới các cơn tăng huyết áp, người mắc bệnh đái tháo đường nếu ăn hơi quá nhiều cũng có thể khiến đường huyết tăng vọt…".
Cân bằng dinh dưỡng, tăng cường các loại rau xanh, vitamin và uống đủ nước trong dịp Tết |
Trong dinh dưỡng, ăn uống hợp lý là quan trọng nhất. Dinh dưỡng hợp lý là đáp ứng nhu cầu về nặng lượng các chất bột, đạm, đường, béo, vitamin khoáng chất, và uống đủ nước. Hợp lý ở đây tức là tùy theo cân nặng của từng người, tùy theo lứa tuổi, tình trạng sinh lý và sức khỏe.
Người mắc bệnh mãn tính khác nhau cần tuân thủ chế độ ăn khác nhau, phù hợp với thể trạng và sức khỏe của mỗi người.
Vào dịp nghỉ lễ người dân thường có nhiều thói quen xấu như thức khuya, dậy muộn từ đó dẫn tới việc bỏ bữa, ăn uống qua loa, tiện đâu ăn đấy. Trong chế độ dinh dưỡng hợp lý thì chất lượng bữa ăn và số lượng bữa ăn đều quan trọng như nhau.
Đối với những người bị gút, tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp cần đặc biệt chú ý đến một chế độ ăn uống điều độ, phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình nhưng không cần kiêng khem quá mức.
Với những nhiều các món chứa nhiều muối, chất béo, bột đường, các loại dưa muối, lạp xưởng, giò thủ, bánh chưng, bánh tét, thịt kho, da gà… dù khoái khẩu cũng nên hạn chế ăn quá nhiều.
Do đó, với những món ăn trên, chỉ nên dùng với một số lượng hạn chế khoảng 100g/ngày, thậm chí ít hơn nữa nếu các bệnh lý cao huyết áp, tim mạch vẫn chưa được điều trị ổn định.
Vận động thường xuyên, tập thể dục đều đặn hàng ngày là hoạt động có thể chất giúp ngăn chặn, kiểm soát và kiểm soát bệnh mạn tính. Vì vậy, những người mắc bệnh mạn tính đều phải nhớ thực hiện các tác động vận động nhẹ hoặc tập thể dục đều đặn mỗi ngày.
Tết là dịp để được nghỉ ngơi, thăm viếng, chúc nhau niềm vui, sức khỏe và hạnh phúc... Tuy vậy, dù có xáo trộn như vậy với ngày thường cũng phải lưu ý thực hiện chế độ sinh hoạt đảm bảo sức khỏe, nhất là những người mắc bệnh mạn tính, phòng bệnh phát nặng trong và sau dịp tết.