Điều trị thành công bệnh nhân ngừng tim phổi do ngộ độc rượu
Bệnh nhân được hồi sinh tim phổi, đặt ống nội khí quản, thở máy. Sau khi tim đập lại, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức nội và chống độc, Trung tâm Hồi sức tích cực.
Qua thăm khám, các bác sĩ thấy bệnh nhân hôn mê, thở máy, huyết áp phụ thuộc thuốc vận mạch liều cao, da nổi vân đá toàn thân, không xuất huyết tự nhiên, bụng mềm, gan to 4cm dưới bờ sườn, bờ sắc, mật độ chắc, lách không to, vô niệu. Bệnh nhân uống rượu thường xuyên và gia đình không kiểm soát được.
Bác sĩ thăm khám cho nam bệnh nhân |
Sau khi thực hiện khám xét lâm sàng và xét nghiệm, các bác sĩ Khoa Hồi sức nội và chống độc đã nhanh chóng tiếp cận, nghĩ đến khả năng ngừng tuần hoàn, toan chuyển hóa khả năng do ngộ độc methanol (cồn công nghiệp).
Bệnh nhân đã được thở máy, lọc máu liên tục, điều chỉnh toan kiềm, điện giải, định lượng độc chất, kết quả cho thấy, bệnh nhân bị ngộ độc methanol cấp ở mức độ nặng (nồng độ methanol 78,13 mg/dl).
Ngay sau khi có kết quả định lượng nồng độ methanol trong máu, bệnh nhân được bổ sung rượu ethanol 20% theo quy trình điều trị bệnh nhân ngộ độc methanol cấp đã được trung tâm xây dựng.
Ngoài ra, bệnh nhân tiếp tục được duy trì thở máy, lọc máu liên tục, điều chỉnh toan kiềm, điện giải, ethanol 20% theo phác đồ trong 48 giờ. Bệnh nhân diễn biến ổn định, được rút ống nội khí quản, cắt các thuốc vận mạch, chức năng các tạng hồi phục dần.
Sau một tuần điều trị nội khoa tích cực, bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch và không để lại di chứng gì. Đây là một trong số ít các bệnh nhân ngộ độc methanol cấp tính, ngừng tuần hoàn đã được điều trị thành công, ra viện không để lại biến chứng.
Theo BS Nguyễn Hồng Tốt, khoa Hồi sức nội và chống độc, Trung tâm Hồi sức (Bệnh viện trung ương Quân đội 108), ngộ độc methanol rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là các trường hợp đến bệnh viện muộn.
Trong trường hợp nhập viện quá trễ, bệnh nhân có thể tử vong vì suy đa cơ quan và toan chuyển hóa nặng. Thậm chí, một số trường hợp may mắn được cứu sống có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác.
Với trường hợp ngộ độc rượu methanol nặng như trên ngoài thở máy, bệnh nhân phải lọc máu (lọc máu ngắt quãng hoặc lọc máu liên tục tuỳ theo tình trạng bệnh) kèm với các biện pháp bổ sung khác như sử dụng acid folic, bổ sung ethanol 20%. Do đó, người dân nên hạn chế sử dụng rượu bia để bảo đảm sức khỏe.