Điểm sáng về thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài
Khẳng định vị thế về thu hút vốn ngoại
Theo Sở KH&ĐT TP Hà Nội, năm 2023, Hà Nội thu hút 2.943 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó đăng ký cấp mới 408 dự án với số vốn đạt 441 triệu USD. Cùng với đó là 175 dự án bổ sung tăng vốn với 307 triệu USD; 326 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 2.195 triệu USD.
Để có được kết quả trên bởi Hà Nội - là Thủ đô của cả nước, với lợi thế cạnh tranh kinh tế - xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, thị trường tiềm năng, dịch vụ đa dạng, được đánh giá cao về cơ sở hạ tầng, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, luôn sát cánh hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp.
Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Anh Quân phát biểu tại Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ 10, năm 2023 |
Đồng thời, Hà Nội cũng luôn công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo nhiều hình thức để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin đầu tư.
Bên cạnh đó, với sự tham mưu của các sở, ban ngành, Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, hội nghị đầu tư. Nhờ đó nhiều vướng mắc được tháo gỡ là cơ sở xây dựng, hình thành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Cùng với đó, TP Hà Nội cũng đã xây dựng các chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư, đẩy mạnh hoàn thiện các khu công nghiệp, nhất là khu công nghệ cao.
Vì vậy, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp FDI đánh giá rất cao việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nói chung, của Hà Nội nói riêng, đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, các tập đoàn lớn khẳng định lựa chọn Hà Nội là nơi để mở rộng đầu tư, kinh doanh trong những năm tới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Cùng với cả nước bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu, rộng với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, TP Hà Nội đã và đang xác định cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng động doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho quá trình hội nhập và phát triển của Thủ đô.
Dự kiến, năm 2024, TP Hà Nội phấn đấu thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 3,15 tỷ USD. Trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 2,15 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ khoảng 1 tỷ USD.
Việc đưa ra mục tiêu thu hút đầu tư tăng cao nhưng phải đi liền với chất lượng. Do đó, Hà Nội xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác các lợi thế của Thủ đô cũng như các thế mạnh của các tỉnh, TP trong vùng như lĩnh vực bất động sản, hạ tầng thương mại, ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiêu hao ít năng lượng.
Trên cơ sở đó, TP ưu tiên thu hút FDI chọn lọc các dự án chất lượng, sản phẩm có tính cạnh tranh cao từ các tập đoàn quy mô lớn, xuyên quốc gia, một số lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng và có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất gắn với đào tạo nhân lực. Ðây là nền tảng quan trọng để TP đạt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo.
Vai trò “tổng tham mưu trưởng”
Với vai trò quan trọng, là “tổng tham mưu trưởng” cho TP Hà Nội trên nhiều lĩnh vực trọng điểm, thời gian qua, Sở KH&ĐT đã có những đóng góp rất quan trọng trong công tác tham mưu cho lãnh đạo TP về thu hút đầu tư nước ngoài cũng như việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư an tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, với chức năng là cơ quan tham mưu, tổng hợp về kinh tế - xã hội, Sở KH&ĐT đã chủ động đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.
Một góc Thủ đô Hà Nội |
Bên cạnh đó, Sở KH&ĐT Hà Nội cũng đã tham mưu cho UBND TP ban hành các quyết sách, chính sách phát triển hài hòa giữa các ngành kinh tế, thành phần kinh tế và giữa kinh tế với văn hóa, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; Các chính sách tháo gỡ vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề trong thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Do đó, TP Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và công bằng để các nhà đầu tư kinh doanh thành công và phát triển bền vững.
Đáng chú ý, Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện góp phần khơi thông các nguồn lực của Hà Nội, đặc biệt những vấn đề về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường… sẽ tiếp tục được cập nhật nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển.
Trong bối cảnh đó, vị trí và vai trò của ngành KH&ĐT lại càng được khẳng định hơn nữa. Do đó, Sở KH&ĐT cần tiếp tục làm tốt nhiệm vụ của mình, phát huy cao nhất vai trò là cơ quan tổng tham mưu của TP Hà Nội.
Có thể thấy, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội thời gian qua đạt kết quả tích cực đã khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng.
Nếu tận dụng hiệu quả các lợi thế sẵn có cùng với những định hướng sâu sát của chính quyền Thủ đô và sự tham mưu “đúng - trúng - kịp thời” của Sở KH&ĐT, Hà Nội sẽ tiếp tục là một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong thời gian tới.