Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức mua của người dân
Sức mua tăng từ 3-5%
Theo báo cáo tình hình thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của Bộ Công thương cho thấy, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố trong giai đoạn gần Tết đã ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và mua sắm Tết của người dân. Nhiều địa phương đã dừng toàn bộ các hội chợ Tết, các lễ hội...
Từ ngày 3/2 (tức 22 tháng Chạp năm Canh Tý), sức mua đối với các nhóm hàng thực phẩm tươi sống bắt đầu tăng lên (phục vụ lễ ông Công, ông Táo) nhưng do lo ngại dịch bệnh, hoạt động mua sắm của người dân cũng hạn chế hơn các năm trước.
Công tác chuẩn bị Tết đã được các địa phương triển khai sớm cùng với việc dự trữ hàng hóa theo Chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương lớn đã giúp nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu Tết và cho các khu vực bị phong tỏa do dịch Covid-19 luôn được bảo đảm, giá hàng hóa bình ổn.
Ngoài ra, các địa phương cũng đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ đưa hàng hóa phục vụ bà con mua sắm Tết tại các xã, huyện vùng sâu, vùng xa, các xã đảo cách xa đất liền để bảo đảm nguồn hàng cho người dân được đón Tết đầy đủ.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố trong giai đoạn gần Tết đã ảnh hưởng đến việc mua sắm của người dân |
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc mua bán trực tuyến được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các biện pháp phòng, chống dịch được áp dụng để bảo đảm an toàn cho khách hàng và người bán hàng, giá hàng hóa được giữ ổn định, lượng hàng đa dạng cùng với nhiều chương trình khuyến mại được áp dụng nên vẫn thu hút được lượng tương đối lớn khách hàng đến mua sắm.
Tại các chợ dân sinh, mặc dù hàng hóa được cung ứng khá dồi dào, đa dạng, lượng mua hàng tuần gần Tết cũng tăng so với ngày thường nhưng không mạnh như các năm trước, giá hàng hóa không có biến động nhiều.
Theo Bộ Công thương, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 chỉ tăng từ 3-5% so với tháng thường và tăng 7-10% so với cùng kỳ năm 2020.
Từ ngày mùng 2, mùng 3 Tết, một số doanh nghiệp phân phối và các hộ kinh doanh cá thể tại các chợ đã bắt đầu mở cửa khai xuân bán hàng trở lại, nhu cầu hàng hóa trong những ngày này chưa cao và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng phục vụ việc thờ cúng.
Do nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, sức mua không lớn nên giá phần lớn các mặt hàng giữ giá ổn định so với những ngày cận Tết. Các mặt hàng rau, củ, quả vụ đông khá dồi dào do thời tiết thuận lợi, giá tương đối thấp.
Tăng cường kiểm soát chất lượng, giá cả các loại gạo
Trong dịp Tết, nguồn cung các loại gạo cũng khá dồi dào, đa dạng và được các doanh nghiệp chuẩn bị từ khá sớm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp lễ, Tết cuối năm.
Theo báo cáo của Sở Công thương các địa phương, giá các loại gạo tẻ chất lượng cao như Tám Điện Biên, Séng Cù, Nam Hương, Gò Công... tăng khoảng 5-10% so với ngày thường và tương đương so với cùng kỳ năm trước. Giá các loại gạo nếp tăng nhẹ so với cùng kỳ Tết năm 2020, ước tăng khoảng 5-7%. So với cùng kỳ mọi năm, nhu cầu tiêu dùng các loại gạo có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản... giảm nhẹ, người dân có xu hướng tiêu dùng các loại gạo chất lượng cao trong nước.
Người dân tham quan mua sắm tại siêu thị trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 |
Nhằm ổn định giá cả mặt hàng gạo, hầu hết các địa phương thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường đều đưa mặt hàng lương thực vào diện bình ổn giá… với giá bán ổn định và thấp hơn giá thị trường khoảng 5-10%. Tết Nguyên Đán Tân Sửu năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp nhưng do đã có kế hoạch từ trước nên tình hình cung - cầu lương thực trong nước được bảo đảm, không xảy ra tình trạng “găm hàng tăng giá” hoặc mất cân đối cung cầu.
Theo Sở Công thương các địa phương, năm nay các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, thanh tra thị trường tiếp tục tăng cường công tác thanh tra kiểm soát về chất lượng cũng như giá cả các loại hàng hoá trong đó có mặt hàng gạo.
Cùng với đó, doanh nghiệp kinh doanh gạo cũng đã có ý thức trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc xuất xứ nên nhìn chung chất lượng gạo ngày càng được bảo đảm. Bên cạnh một số loại gạo bảo đảm chất lượng, sản xuất theo hướng organic hoặc hữu cơ thì một số loại gạo được tiêu dùng nhiều cũng bắt đầu đạt tiêu chuẩn gạo sạch và kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện, giá một số loại gạo tẻ chất lượng cao khoảng 20.000 - 32.000 đồng/kg (tuỳ loại và địa phương). Mặc dù giá bán khá cao so với mặt bằng chung của thị trường nhưng theo Đánh giá, số lượng tiêu thụ tốt và phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng.
Giá các loại gạo trong dịp Tết nguyên Đán Tân Sửu diễn biến như sau: Giá các loại gạo tẻ thường nhìn chung ổn định, loại gạo phục vụ cho Tết như nếp, tám thơm và gạo đặc sản địa phương như tám Điện Biên, gạo Séng Cù Lào Cai... tăng khoảng 1.000-2.000 đồng/kg, theo quy luật thị trường, tương đương 5-7% so với các tháng thường trong năm và tăng khoảng 3-5% so với cùng kỳ năm trước.