“Đêm trắng” - vở chính kịch ca ngợi Bác Hồ được dàn dựng lại để chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Gắn biển công trình trường Tiểu học Thịnh Hào chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng |
Bài học về chống tham nhũng vẫn đậm tính thời sự
Vở diễn “Đêm trắng” của cố tác giả Lưu Quang Hà là tác phẩm được viết dựa trên một câu chuyện có thật trong thập niên 1950, khi toàn dân, toàn quân ta dồn sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thì lại có những kẻ ngang nghiên tham ô, sống xa hoa lãng phí gây nên sự phẫn nộ trong toàn Đảng, toàn dân. Vở diễn thể hiện hình tượng Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí... gắn với vấn đề rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên, xây dựng quân đội cách mạng.
Năm 1950, có một đêm Bác Hồ thức trắng trước đơn xin ân xá rồi vẫn quyết định y án tử hình của một đại tá, Cục trưởng Cục cung cấp Quân đội ta. Điều làm Bác trăn trở, suy tư là hơn một năm trước, Bác đã ký quyết định phong quân hàm sĩ quan cao cấp cho con người này, đại tá Trần Dụ Châu (nhân vật Hoàng Trọng Vinh trong “Đêm trắng”).
Hình ảnh trong vở kịch "Đêm trắng" |
Chỉ có hơn một năm, con người này thoái hóa đến mức độ, tòa án cách mạng đã tuyên án tử hình. Trần Dụ Châu từng nói rất hay, nào là hy sinh, cống hiến, nào là gương mẫu, tiên phong nhưng hành vi thì cực kỳ nham hiểm, suy thoái đạo đức đến thối rữa: Sát phu, hiếp phụ đối với một cặp vợ chồng là đồng chí của y; Ăn cắp vật tư trang bị của bộ đội gây ra những tổn hại lớn về người và của, làm ảnh hưởng đến thanh danh và uy tín của bộ đội, của Đảng.
Người đã kiên quyết loại bỏ Trần Dụ Châu ra khỏi đời sống vì Trần Dụ Châu đã gián tiếp và trực tiếp gây ra hàng trăm cái chết cho đồng bào, chiến sĩ ta, đặc biệt là sự suy thoái về đạo đức, làm ô nhục thanh danh của cách mạng, gây ra bao điều tiếng xấu. Tội lỗi đó không thể dung tha.
Trong lúc từ Chủ tịch nước đến người dân đều phải mỗi tuần nhịn ăn một bữa, mỗi ngày dành một vốc gạo vào hũ gạo tiết kiệm cho kháng chiến… thì vị đại tá Hoàng Trọng Vinh lại chất gạo đầy kho để báo cáo thành tích và không cấp cho bộ đội, bớt xén công quỹ tiêu xài, hoang phí…
Trong khi bộ đội ta đang vất vả vượt đỉnh Tây Côn Lĩnh vượt gió rét căm căm thì trong tiếng nhạc dập dìu, trong ánh nến, ông ta cùng quan khách dập dìu nhảy Valse, thưởng thức những món sơn hào hải vị thượng hạng, ngắm hoa tươi do các chiến sĩ vượt bao đồn bốt canh của địch, người đẫm máu để mang về cho hắn tổ chức đám cưới cho cấp dưới.
Hoàng Trọng Vinh còn luôn tìm cách nịnh, đút lót các cấp trên có chức, có quyền để bao che, ô dù cho y thực hiện những mục đích cá nhân… Không chỉ các chiến sĩ phải hy sinh xương máu mà ngay cả Hoàng Trọng Dũng - em ruột Vinh, là người chiến sĩ dũng cảm trung thực cũng phải hy sinh vì vụ án Hoàng Trọng Vinh - anh trai mình. Hành động của Hoàng Trọng Vinh như một thách thức công lý, với sinh hoạt của người dân ở thời kỳ đó.
Thức trắng đêm để rồi kiên quyết loại những phần tử ung nhọt đó ra khỏi hàng ngũ của Đảng, tránh để mầm họa cho Nhân dân còn thể hiện sự cao cả, vĩ đại nhưng đầy tính nhân văn và tình người của Bác. Trong lúc Đảng ta vẫn đang giương cao ngọn cờ phòng chống tham nhũng và tích cực học tập tấm gương đạo đức sáng ngời của Hồ Chí Minh thì câu chuyện xảy ra hơn nửa thế kỉ trước vẫn mang tính thời sự nóng bỏng, hấp dẫn, được dư luận đặc biệt quan tâm.
Làm mới một tác phẩm đã quá nổi tiếng
“Đêm trắng” là tác phẩm từng giành Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990. Nhiều năm sau đó, vở kịch này đã được phục dựng một vài lần và đều thu hút được sự quan tâm của khán giả.
Khi hỏi về duyên cớ lựa chọn “Đêm trắng” để dàn dựng, NSƯT Xuân Bắc nói: “Qua một năm tìm kịch bản, nhất là kịch bản về đề tài phòng chống tham nhũng, cho đến bây giờ tôi chưa thấy kịch bản nào hay hơn kịch bản “Đêm trắng”, vì thế tôi quyết định dựng vở kịch này. Mọi người thường thấy một danh hài Xuân Bắc, một người rất showbiz nhưng lại làm một vở chính kịch, chắc mọi người cũng có phần tò mò nhất định”.
Tác phẩm được dàn dựng trong 2 tháng cùng ê kíp sáng tạo với gần 80 nghệ sĩ, diễn viên, trong đó có nhiều gương mặt nghệ sĩ tài năng như: Nghệ sĩ Minh Hải (hóa thân vào vai Bác Hồ), NSND Việt Thắng, NSƯT Đình Chiến, NSƯT Kiều Minh Hiếu, NSƯT Mai Nguyên, NSƯT Tạ Tuấn Minh... Theo NSƯT Xuân Bắc, bản dựng lần này với cách kể, lối diễn hiện đại cùng tư duy dàn dựng sân khấu mới của một ê kíp nghệ sĩ tâm huyết hy vọng sẽ mang đến công chúng một vở chính kịch mang hơi thở thời đại.
NSƯT Xuân Bắc- Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chỉ đạo dàn dựng vở kịch "Đêm trắng" |
NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết: “Vai trò và trách nhiệm của Nhà hát Kịch Việt Nam là tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, dùng nghệ thuật kịch nói để tuyên truyền. Tuyên truyền ở đây là nâng cao ý thức trách nhiệm chính trị chứ không phải đơn thuần như là tuyên truyền cổ động.
Với tinh thần là “Anh cả đỏ” nền kịch nói nước nhà, Nhà hát Kịch Việt Nam luôn dàn dựng những vở kịch mang tính thời đại, mang hơi thở xây dựng và phát triển. Đặc biệt trong thời kỳ hiện nay, khi mà việc phòng chống tham nhũng được đẩy lên cao làm trong sạch Đảng.
Vở kịch “Đêm trắng” nói về ý chí nhân văn, cách xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền đảm bảo lòng tin của người dân. Nổi bật là hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già của dân tộc với cách nhìn và cách giải quyết rất sắc nét của một người thấm nhuần nhất về tư tưởng cách mạng”.
Diễn viên Nguyễn Minh Hải, người đã hơn 10 năm được đảm nhiệm vai Bác Hồ trong nhiều vở diễn và cũng đóng vai Bác trong vở “Đêm trắng” kể: “Hơn mười năm được lựa chọn vào vai Bác Hồ thể hiện hình tượng vị lãnh tụ Hồ Chí Minh đó là niềm vinh hạnh với tôi. Mỗi một kịch bản đem đến cho tôi một cảm xúc mới.
Để tạo được những hình tượng đẹp về Bác Hồ, tôi phải lao động nghệ thuật ngày đêm. Đảm nhiệm vai Bác Hồ trong vở diễn lần này tôi thấy có nhiều cái mới và khó khăn hơn rất nhiều”.
Sau vở diễn “Đêm trắng”, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ tiếp tục đi tìm kịch bản và mời các đạo diễn để thực hiện những đề tài nóng của xã hội. “Nếu mọi người là những người yêu sân khấu sẽ thấy vị trí của Nhà hát Kịch Việt Nam đang được khẳng định. Những tác phẩm của Nhà hát cũng cho thấy được những nét mới, nét đặc sắc, mang đậm cái chất của kịch Việt Nam”, NSƯT Xuân Bắc nói.
Đón tuyết rơi mùa Giáng sinh với nghệ sĩ Xuân Bắc |
Nam Tào Xuân Bắc tái xuất “cà khịa” trong "Hỏi xiên đáp xẹo" |
Con trai Xuân Bắc chia sẻ bí quyết xem TV an toàn và phù hợp |