Đề xuất tăng chi cho khoa học công nghệ, y tế, văn hóa trong đầu tư công trung hạn
Tăng chi cho khoa học công nghệ, y tế
Chiều 27/7, thảo luận tại hội trường về chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) quan tâm tới việc đầu tư, sử dụng vốn nhà nước cho khoa học công nghệ (KHCN) trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh.
Theo đại biểu, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, một số Bộ như Bộ KHCN, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đẩy mạnh đầu tư KHCN trong phòng, chống dịch bệnh; Kết quả là đã có nhiều nghiên cứu quan trọng về dịch tễ học, bộ kít xét nghiệm, sản xuất vắc xin… và ứng dụng hiệu quả công nghệ trong kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ điều trị bệnh.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) thảo luận tại hội trường |
Khẳng định, việc đầu tư KHCN trong phòng, chống dịch là hết sức cấp thiết, đại biểu đề xuất Quốc hội bố trí ngân sách trong năm 2021-2025, ưu tiên vốn kịp thời cho KHCN trong phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm mới phát sinh, trước hết là nguồn vốn sản xuất vắc xin Covid-19; Bổ sung nội dung này vào điều 1 Dự thảo Nghị quyết đầu tư công, trung hạn.
Đối với Chính phủ, đại biểu đề xuất chỉ đạo giải quyết các vướng mắc liên quan đến cơ chế, ưu đãi thuế, đầu tư ngân sách Nhà nước để tập trung nguồn lực cho KHCN; Nghiên cứu xây dựng các thể chế, cơ chế đột phá vượt trội; Huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội cho đầu tư KHCN nói chung và phục vụ phòng, chống dịch nói riêng.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, XVI, ưu tiên xây dựng trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc xin quốc gia để phòng bệnh dài hạn. Đối với Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị rà soát các nhiệm vụ nghiên cứu liên quan đến phòng, chống dịch bệnh, công khai để cử tri giám sát…
Nguồn lực cho văn hóa còn khiêm tốn
Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, văn hóa và giáo dục là hai lĩnh vực mà Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng, song Chính phủ lại dành nguồn lực quá khiêm tốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, nguồn kinh phí phân bổ cho lĩnh vực văn hóa-thông tin là hơn 10,7 nghìn tỷ đồng, còn giáo dục và giáo dục nghề nghiệp được bố trí hơn 22,9 nghìn tỷ đồng.
Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) thảo luận tại hội trường |
"Với nguồn lực này, chúng ta chưa cân đối và bảo đảm các mục tiêu phát triển của hai lĩnh vực này trong giai đoạn 2021-2025. Tôi cho rằng, quan điểm đầu tư cho văn hóa là đầu tư không có lợi nhuận không còn phù hợp với xu thế hiện nay.
Chúng ta coi văn hóa là một bộ phận của nền kinh tế - điều mà các quốc gia trên thế giới đang thực hiện - với việc đầu tư như một lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Đầu tư cho văn hóa không chỉ mang lại giá trị bảo tồn, văn hóa truyền thống, giá trị về biểu tượng trường tồn mang tính hồn cốt của dân tộc, mà còn mang lại nguồn thu không nhỏ cho các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội" - đại biểu nêu quan điểm.
Thường trực HĐND cấp tỉnh được quyết định chủ trương đầu tư
Nhất trí với mục tiêu, định hướng đầu tư công trung hạn, tuy nhiên, đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) cho rằng, việc triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn thời gian qua vẫn còn những bất cập dẫn tới chậm triển khai thực hiện.
Trong đó, về thẩm quyền của HĐND huyện trong quá trình lập, thẩm định đầu tư công trung hạn tại địa phương. Theo đại biểu, HĐND họp mỗi năm ít nhất 2 kỳ, trong khi đó, thời điểm trình HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình dự án và xin ý kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn nhiều lúc không trùng với kỳ họp của HĐND tỉnh; Việc HDNĐ phải họp riêng chỉ để cho ý kiến nội dung này gây tốn kém.
Vì vậy, để đảm bảo tính kịp thời, đại biểu đề nghị Quốc hội bổ sung quy định khắc phục vấn đề trên; Đề nghị Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu bổ sung Luật đầu tư công theo hướng tăng thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh trong việc quyết định chủ trương đầu tư và báo cáo HĐND về việc này tại kỳ họp HĐND gần nhất….