Đề xuất cho phép TP Hồ Chí Minh thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đến hết 31/12/2023
Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thành lập TP Hồ Chí Minh: Một tháng, cơ sở dạy năng khiếu bị tạt chất bẩn hai lần TP Hồ Chí Minh phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ thứ hai |
Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, TP Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ngoại trừ các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng cao, bình quân hằng năm trong giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo |
Theo đánh giá của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, với việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14, tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan trung ương thẩm định.
Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép thành phố chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.
Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, bảo đảm việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của thành phố.
Việc điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực.
Việc thực hiện đẩy mạnh cơ chế ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã phát huy hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn thành phố phát huy được vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.
Tuy nhiên, một số cơ chế tuy đã được thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp, như chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều.
Thực tế, cơ chế tài chính đặc thù trong giai đoạn 2018-2022 mới chỉ có nguồn từ thưởng và đầu tư trở lại từ ngân sách trung ương (1.654 tỷ đồng), thu từ cổ phần hóa và thoái vốn (1.786,6 tỷ đồng), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (2.800 tỷ đồng) và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước cho thành phố vay lại (11.387,3 tỷ đồng), thu được từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp (132,6 tỷ đồng); còn các nguồn có tiềm năng, có số thu lớn chưa được triển khai thực hiện, như cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, thu khai thác tài sản và từ đất đai...
Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến hết ngày 31/12/2023, đồng thời, đưa nội dung này vào Nghị quyết của kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh đánh giá tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TƯ ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và kết quả thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, báo cáo Bộ Chính trị cho phép thành phố thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong thời gian tới.
Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhận định, phương án tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 là cần thiết và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết đến hết 31/12/2023.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị lưu ý một số điểm. Trong đó, báo cáo của Chính phủ cần làm rõ lý do, tính thuyết phục, căn cứ phù hợp để áp dụng việc kéo dài thời gian thực hiện; cần dự báo được hiệu quả sẽ mang lại nếu tiếp tục thực hiện thêm 1 năm. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do dịch COVID-19, báo cáo cần chỉ ra nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thực hiện dẫn đến phải kéo dài thời gian thực hiện.