Đề phòng mưa lớn, sạt lở đất tại các khu vực miền núi phía Bắc
Lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại tại miền núi phía Bắc
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai thông tin, 7 tháng đầu năm đến nay, nước ta đã xảy ra 1 trận bão, 102 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, 101 trận dông lốc, 55 vụ sạt lở bờ sông, 134 trận động đất, 3 trận gió mạnh trên biển và 2 đợt rét đậm, rét hại. Về giao thông: 31 cầu tạm bị hư hỏng, cuốn trôi, sạt lở 25,047km đường giao thông, 639.978m3 đất đá sạt lở.
Số người thiệt mạng và mất tích do thiên tai là 68 người. Ngoài ra còn có 40 người khác bị thương. Mưa lũ, lũ quét đã làm 29 cầu tạm bị cuốn trôi, hơn 623.000m3 đất đá sạt lở.
Sạt lở đất xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc |
Chỉ tính riêng trong tháng 6/2022, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 22 trận mưa lớn; 15 trận mưa dông, lốc, sét; 19 vụ sạt lở bờ sông; 18 trận động đất.
Trong tháng 7/2022, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 6 trận mưa lớn; 5 trận mưa dông, lốc, sét; 10 vụ sạt lở bờ sông; 3 trận động đất; 1 trận gió mạnh trên biển.
Về thủy lợi: 20m kè, kênh mương; 214m bờ sông, bờ biển sạt lở. Về giao thông: 87m đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng với 640m3 đất đá, bê tông bị sạt lở; 2 cầu bị hư hỏng.
Đáng lo ngại, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, mùa mưa lũ năm nay đến muộn. Theo dự báo xu thế khí hậu thủy văn từ tháng 9/2022 đến tháng 2/2023, ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina từ nay đến hết năm 2022 với xác suất khoảng 60-65% và khả năng còn kéo dài sang các tháng đầu năm 2023.
Từ nay đến tháng 2 năm 2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng từ 3-5 cơn.
Các tỉnh miền núi, nhiều nơi địa hình chia cắt, độ dốc lớn nên hiện tượng sạt lở thường xảy ra trong mùa mưa bão. Một số tuyến đường huyện, xã trọng yếu của khu vực miền núi phía Bắc bị sạt lở, ách tắc, có những nơi khối lượng đất, đá lên tới hàng nghìn m3 gây ách tắc giao thông cục bộ.
Vùng núi cũng thường xuyên phải gánh chịu những trận lũ quét, sạt lở đất bất ngờ đổ ập xuống trong đêm, cuốn trôi nhà cửa và tính mạng người dân, gây nên nhiều cái chết thương tâm.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lũ quét, sạt lở đất ngày càng xảy ra với cường độ lớn theo cách lý giải của Tổng cục Phòng chống thiên tai là do triền đồi, núi dốc, đất bị phong hóa qua nhiều năm, cho nên vào mùa mưa luôn luôn trong trạng thái bão hòa nước.
Mặt khác, diện tích rừng nguyên sinh bị thu hẹp, được thay bằng rừng trồng ở vị trí khác khiến khả năng giữ nước bị thay đổi. Thêm vào đó, ta-luy vách đồi, núi được xẻ cao làm mất thế cân bằng ổn định của mái dốc được tạo ra qua hàng triệu năm… Đây là sự tác động trực tiếp để “kích hoạt” cơ chế chuyển dịch các khối đất, đá dẫn đến hiện tượng sạt lở đất.
Người dân tại các tỉnh miền núi, đa phần là người dân tộc lại có thói quen tạo mặt bằng xây nhà cửa, công trình bằng cách xúc đất, san phẳng ở chân đồi. Các sườn đồi, dốc đã trải qua nhiều năm ổn định địa chất, về tự nhiên chúng gần như không sạt trượt.
Nhưng khi con người can thiệp, san phẳng chân đồi, "cắt chân" đồi sẽ làm mất cân bằng giữa lực gây trượt và kháng trượt địa chất. Do đó, khi gặp cơn mưa lớn, nước mưa đổ xuống kéo dài khả năng kháng trượt của nền đất sẽ rất yếu dẫn đến trượt lở.
Ứng phó với mưa lớn
Ngay từ đầu tháng 8, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã liên tục có các văn bản hỏa tốc gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc đề nghị ứng phó với mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi.
Theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm, mưa lớn còn tiếp tục tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, nhất là thiệt hại đáng tiếc về người, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các tỉnh miền núi phía Bắc triển khai bố trí lực lượng kiểm soát, cảnh báo, hướng dẫn giao thông tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu, chia cắt, không để người và phương tiện đi qua.
Ngoài ra, các địa phương tổ chức quản lý, trông giữ, không để trẻ chơi đùa, đi lại tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, tăng cường thông tin kịp thời đến người dân về tình hình mưa lũ bằng các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh... Đặc biệt là các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh... có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.
Mưa lớn kéo dài gây ra sạt lở đất tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai |
Ông Quảng Văn Việt, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho biết, là tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất, những loại hình thiên tai này đã gây nhiều thiệt hại cho địa phương.
Để chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2022 phù hợp với diễn biến thời tiết nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Bên cạnh đó, tỉnh chủ động kiểm tra các vị trí tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, cắm biển cảnh báo tại các ngầm tràn, di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Tỉnh chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trực ban nghiêm túc... để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.