Đề nghị công nhận nước mắm là di sản văn hóa của Việt Nam
Tọa đàm “Nước mắm Việt nâng tầm ẩm thực Việt” với định hướng và mục tiêu lắng nghe - thấu hiểu - đồng hành phát triển có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, diễn giả là các nhà sử học, nhà nghiên cứu ẩm thực, nhà khoa học… để trao đổi và chia sẻ các nghiên cứu, ý kiến mà nước mắm Việt - Ẩm thực Việt gắn kết tạo nên những món ăn đậm đà, đặc trưng của các vùng miền trên cả nước, nổi tiếng thế giới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam phát biểu khai mạc toạ đàm |
Theo các nhà nghiên cứu, nước mắm Việt là “di sản truyền khẩu” được cấu thành từ cá biển và muối ủ chượp nhiều tháng mới “nhỉ” ra dòng nước tinh khiết vàng sánh tạo nên hương vị đậm đà tự nhiên. Ngay từ thế kỷ thứ X, nước mắm đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong chế biến món ăn phục vụ đời sống hàng ngày. Do vậy, nước mắm mặc nhiên đã là di sản trong lòng dân gian.
Nói về giá trị lịch sử hành trình của nước mắm Việt, Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Ngay từ thế kỷ thứ X, Việt Nam đã là quốc gia sản xuất và biết dùng nước mắm để chế biến và làm gia vị cho món ăn. Chính điều này đã làm bước đệm và tiền đề cơ bản cho dòng món ăn Việt Nam phát triển bền vững”.
Các đại biểu tham dự toạ đàm Nước mắm Việt - Nâng tầm ẩm thực Việt |
Tại buổi toạ đàm, Nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực Lê Tân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cho rằng: “Trong ẩm thực, nước mắm là một nguyên liệu được người dân Việt Nam sử dụng trong rất nhiều hình thức như (ăn trực tiếp, qua chế biến..); gia vị, nguyên liệu… hoặc uống trực tiếp (chống lạnh, tăng cường sinh lực, cân bằng nhiệt độ cho cơ thể) đối với những người hay đi biển.
Trong hầu hết các món ăn Việt Nam, nước mắm là một gia vị chính không thể thiếu. Đỉnh cao của nước mắm chính là hồn cốt của món ăn. Nước mắm là loại gia vị “quốc hồn quốc túy” của người Việt trong mỗi bữa ăn, là niềm tự hào trong tâm thức mỗi người con đất Việt khi nhắc đến ẩm thực quê hương”.
Các diễn giả kiến nghị đẩy mạnh quảng bá nước mắm Việt ra thế giới |
Nghệ nhân Phạm Tuấn Hải - Master Chef, Giám khảo vua đầu bếp Việt Nam thì cho biết, mỗi khi thực hành, ngoài việc chế biến món ăn còn có cả những câu chuyện, thông điệp văn hóa, truyền thống và con người Việt Nam. Giám khảo vua đầu bếp Việt tin rằng trao đổi tại tọa đàm về nước mắm sẽ mang lại hiệu ứng rất tốt về giá trị tinh hoa không những cho mỗi món ăn mà còn nâng tầm vai trò quan trọng không thể thiếu của nhiều thế hệ nghệ nhân ẩm thực Việt Nam.
Tại buổi toạ đàm, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong việc bảo tồn, nâng tầm nước mắm Việt. Để nước mắm Việt gắn liền với ẩm thực Việt và ngày càng trở nên nổi tiếng hơn với thế giới rất cần những đại sứ trẻ là công dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, là các bạn nước ngoài yêu thích món ăn Việt Nam. Họ sẽ cùng chung tay quảng bá để nước mắm Việt, ẩm thực Việt trở thành “người bạn đồng hành” ngát hương đượm vị trong mỗi bữa ăn hàng ngày…
Lãnh đạo Hiệp hội Nước mắm Việt Nam cùng ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm với các diễn giả |
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam sẽ phối hợp với Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu Quốc gia, nhằm đưa nước mắm, gia vị cốt lõi của các món ăn Việt lên tầm cao mới. Đồng thời chung tay xây dựng bộ hồ sơ trình Chính phủ công nhận nước mắm là di sản phi vật thể của Việt Nam.
Hai Hiệp hội nghiên cứu lên kế hoạch tổ chức các lễ hội liên quan đến nước mắm để giới thiệu giá trị đỉnh cao của "dòng chảy" văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Việt tới khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tất cả các hoạt động trên cần được quảng bá rộng rãi thông qua việc công bố công trình khoa học về nước mắm Việt Nam, tham gia các hội nghị, hội chợ thực phẩm lớn không những trong nước mà còn đến với các sự kiện văn hóa ẩm thực về nước mắm trên thế giới.