Để nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm quay trở lại tăng trưởng mạnh mẽ như trước đại dịch Covid-19
Các vaccine phòng Covid-19 được cấp phép đều trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng |
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ tạo điều kiện, rút ngắn việc xem xét hồ sơ khi các doanh nghiệp, hiệp hội tìm được nguồn vaccine ngừa Covid-19. Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công đang có kế hoạch nhập khoảng một triệu liều vaccine phòng Covid-19 thông qua một trong số 36 công ty được cấp phép nhập khẩu với kì vọng để nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm quay trở lại con đường tăng trưởng mạnh mẽ như trước đại dịch Covid-19. Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với ông về vấn đề này.
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công |
- Ông có mong muốn gì khi dự định nhập khẩu 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 về Việt Nam? Điều này có phải chứng minh thêm sự năng động, tiên phong của Hội Doanh nhân trẻ, luôn nắm bắt và đi đầu các xu hướng?
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, để ổn định nền kinh tế nước nhà, hạn chế làm đứt gãy chuỗi cung ứng trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì giải pháp tối ưu hiện này là tiêm vaccine Covid-19 cho người lao động trong doanh nghiệp.
Việc tìm nguồn nhập vaccine, sẵn sàng trả chi phí cho việc nhập và sản xuất vaccine được nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm, nhất là sau thông điệp tháo gỡ vướng mắc của Chính phủ.
Hiện nay, thông qua mạng lưới các mối quan hệ của hội viên với cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đang ráo riết làm việc với các đầu mối để nhập khẩu vaccine Covid-19 về Việt Nam. Theo kế hoạch, chúng tôi đang làm việc với một số đối tác để thông qua một trong số 36 công ty đã được cấp phép của Bộ Y tế để có thể nhập về khoảng một triệu liều vaccine cho doanh nghiệp.
Là một trong những đối tượng chịu tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19 nhưng với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã kêu gọi cộng đồng doanh nhân trẻ cả nước đồng hành và chung tay cùng Chính phủ và các cơ quan chức năng trong phòng chống Covid-19 bằng nhiều hoạt động ý nghĩa với tổng số tiền ủng hộ qua các đợt bùng phát của dịch bệnh là gần 8,5 tỷ đồng. Hội DNT các tỉnh, thành cũng tổ chức nhiều hoạt động ủng hộ cho công tác phòng chống và khắc phục hậu quả do dịch bệnh Covid-19 gây ra ước tính gần 266 tỷ đồng. Những hoạt động thiết thực và ý nghĩa này đã thể hiện sự chia sẻ và trách nhiệm của đội ngũ Doanh nhân trẻ Việt Nam với cộng đồng xã hội và đất nước.
Trong thời gian này, bên cạnh việc tiếp tục nỗ lực sản xuất, kinh doanh và phục hồi nhằm duy trì sự ổn định và việc làm cho người lao động, Hội DNT Việt Nam đã tích cực tiên phong, chủ động kết nối các doanh nghiệp trẻ, cộng đồng Doanh nhân trẻ trong khu vực để tạo thành một cộng đồng doanh nghiệp hưng thịnh và kiên cường.
Bên cạnh đó, Trung ương Hội cũng phối hợp tổ chức chuỗi đào tạo, nhằm cung cấp cho doanh nghiệp những hướng dẫn, khuyến nghị dưới góc nhìn chuyên gia, cập nhật xu hướng, chia sẻ bài học hay, từ đó giúp doanh nghiệp điều chỉnh phù hợp các mục tiêu nhằm định hướng phát triển bền vững trong giai đoạn sau đại dịch.
Vaccine Covid-19 sẽ góp phần đưa nền kinh tế trở lại tăng trưởng mạnh mẽ như trước đại dịch |
- Xin ông cho biết sơ bộ những thiệt hại của kinh tế Việt, đặc biệt là khó khăn của các doanh nghiệp trẻ trong gần hai năm Covid-19 vừa qua?
Đại dịch Covid-19 diễn ra đã gây không ít khó khăn tới nền kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam. Suy thoái kinh tế dẫn đến mất việc làm và giảm thu nhập trở thành vấn đề lo ngại nhất đối với Việt Nam hiện nay. Điều này có thể dẫn đến những hệ lụy về an sinh xã hội và bất bình đẳng xã hội.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong đó có Doanh nhân trẻ cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra: Việc tiếp cận khách hàng gặp khó khăn do những vấn đề liên quan đến giãn cách xã hội. Nguồn nhân lực của doanh nghiệp buộc phải cắt giảm do chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp bị gián đoán => giảm đơn hàng, giảm sản lượng.
Các dự án đầu tư phải dãn tiến độ thậm chí hủy dự án. Chi phí phát sinh cho việc phòng ngừa Covid-19 của doanh nghiệp bị phát sinh. Các doanh nghiệp bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do doanh nghiệp gặp khó khăn khi các chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc, cầu thị trường giảm đột ngột dẫn tới giảm doanh thu. Do vậy, doanh nghiệp phần lớn phải đối mặt với những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán.
Covid-19 đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh và hoạt động chung của các doanh nghiệp ở mọi ngành nghề. Tuy nhiên ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực, cũng như mức độ tác động thì còn phụ thuộc vào ngành nghề cụ thể. Tuy nhiên, với sự chung tay của Chính phủ và toàn thể người dân Việt Nam, tôi tin rằng, Việt Nam sẽ sớm vượt qua đại dịch, ổn định kinh tế và sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới với việc áp dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử và thay đổi hành vi tiêu dùng mà Covid-19 đã tạo ra. Có thể nói bên cạnh những thách thức do Covid-19 gây ra, chúng ta vẫn có những cơ hội phía trước và tôi tin Việt Nam sẽ biết tận dụng thành công những cơ hội đó để phát triển kinh tế.
Ở góc độ Hội DNT Việt Nam, chúng tôi cũng đang rất tích cực trong việc trao đổi, đàm phán với các hãng vaccine uy tín để có nguồn cung và nhập vaccine, hỗ trợ doanh nghiệp hội viên có thể tiêm vaccine phòng Covid-19 cho cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hội viên yên tâm sản xuất, kinh doanh.
- Ông có kì vọng và dự đoán gì về nền kinh tế Việt Nam sau khi được tiêm vaccine phổ cập?
Thực tế chứng minh các chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid – 19 đã giúp nhiều nước trên thế giới có thể khởi động lại việc mở cửa nền kinh tế, đầu tiên là Mỹ và các nước châu Âu. Nếu coi đây là một cuộc khủng hoảng thì cuộc khủng hoảng này sẽ không giống các cuộc khủng hoảng kinh tế đã từng xảy ra, các biện pháp kích thích tiêu dùng, thắt lưng buộc bụng không phải là vũ khí tối ưu và Vaccine mới là vũ khí quyết định đưa nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng.
Trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động, tích cực chống dịch đồng thời chính phủ Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung cấp vaccine ngừa Covid -19 để có thể triển khai tiêm phòng trên diện rộng thì nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm quay trở lại con đường tăng trưởng mạnh mẽ như trước đại dịch.
Tôi tin với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân cùng với việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine trên diện rộng, Việt Nam sẽ sớm vượt qua đại dịch, có thể tái hoạt động và mở cửa lại nền kinh tế, các doanh nghiệp có cơ hội phục hồi, phát triển mạnh mẽ, vị thế đất nước trên trường quốc tế ngày càng tăng cao.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!