Dạy và học trực tuyến cho học sinh lớp 1: Nhà trường, thầy cô, phụ huynh cùng bàn giải pháp
Trong trường hợp bất khả kháng, với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, giáo viên, phụ huynh, học sinh cần tìm cách thích nghi và vượt qua khó khăn như thế nào?
Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội):
Khó đến đâu, ta gỡ đến đó
Khẳng định việc dạy và học trực tuyến với học sinh lớp 1 là vô cùng khó khăn và nhiều thử thách, người đứng đầu ngành Giáo dục của quận Ba Đình cho biết, ông thấu hiểu “cái khó” của cả phụ huynh, học sinh và người dạy. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chúng ta không còn cách nào khác là phải tìm mọi cách nỗ lực, vượt qua khó khăn và thích ứng với hoàn cảnh.
Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) |
Ông Thuận cho biết, dù là quận trung tâm thành phố nhưng trên địa bàn Ba Đình vẫn còn không ít phụ huynh gặp khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho việc học online của học sinh.
Lắng nghe, chia sẻ và cùng nhau khắc phục khó khăn, ngành Giáo dục Ba Đình đã quán triệt đến các nhà trường sớm tổ chức họp phụ huynh đối với học sinh khối lớp 1 để tìm hiểu hoàn cảnh, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh từ đó đưa ra giải pháp cụ thể để tháo gỡ.
“Phương pháp tổ chức dạy học như thế nào, Phòng GD&ĐT quận sẽ hướng dẫn cụ thể đến các trường sau khi có chỉ đạo từ Sở GD&ĐT. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, để chuẩn bị cho việc triển khai được thuận lợi, chúng tôi cũng đã đề ra nhiều phương án, kế hoạch khác nhau để áp dụng trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
Để việc học trực tuyến diễn ra thuận lợi nhất, giáo viên chủ nhiệm phải là người mở đường, kết nối, cần sự đồng thuận, phối hợp nhuần nhuyễn đối với phụ huynh học sinh. Có thể chúng ta sẽ mất từ 7 - 10 buổi để cả thầy, trò, phụ huynh làm quen với nhau, với phương pháp học mới. Nếu chưa bắt tay vào làm thì chưa thể biết được “vấp” ở khâu nào. Vì vậy, chúng ta cứ triển khai từ từ, từng bước một. Khó ở đâu, chúng ta sẽ “gỡ” ở đó”, ông Thuận chia sẻ.
Cô Lê Thanh Hương - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Hà Đông (Hà Nội):
Sự phối hợp của phụ huynh là vô cùng quan trọng
Những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh trong thời gian qua về việc dạy và học trực tuyến với học sinh lớp 1 cũng là trăn trở của người làm giáo dục. Có thể thấy rằng, với học sinh lớp “vỡ lòng”, hình thành thói quen, nề nếp học tập trong giai đoạn vừa chuyển từ mầm non lên tiểu học quan trọng hơn rất nhiều so với việc các em học được gì, viết được những chữ nào, biết đọc, biết viết ra sao. Điều đó không ở đâu làm tốt hơn ngoài trường lớp, sự tương tác trực tiếp với thầy cô, bè bạn.
Cô Lê Thanh Hương - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Hà Đông (Hà Nội) |
Tuy nhiên, khi dịch bệnh xảy ra là điều bất khả kháng, chúng ta cũng không còn cách nào tốt hơn là phải thích nghi với hoàn cảnh mới, trong tâm thế mới. Học trực tuyến sẽ vô cùng khó khăn với cả thầy và trò.
“Xác định điều đó nên thời gian trước đó trường Tiểu học Lê Hồng Phong đã có nhiều buổi trao đổi chuyên môn trực tuyến với giáo viên dạy lớp 1 năm học 2021 - 2022. Ngay trong tuần này, chúng tôi tiếp tục họp chuyên môn để chuẩn bị sẵn sàng phương án triển khai trong khi chờ hướng dẫn chính thức từ Sở, Phòng GD&ĐT.
Với tinh thần đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ họp với phụ huynh lớp 1, lắng nghe, chia sẻ những khó khăn của gia đình từng em từ đó đề ra giải pháp tháo gỡ, lên phương án để phối hợp sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Trong giai đoạn này, điều mà chúng tôi cần nhất là sự phối hợp, chia sẻ của phụ huynh để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh lớp 1”, cô Lê Thanh Hương chia sẻ.
Năm học 2021 - 2022, trường Tiểu học Lê Hồng Phong có 246 học sinh lớp 1 với quy mô 5 lớp học. Để học sinh kịp thời có sách giáo khoa trước thềm năm học mới, BGH nhà trường đã làm việc với đơn vị vận chuyển để chuyển phát nhanh sách đến từng nhà học sinh.
Tới đây, học sinh nào chưa kịp mua, tiếp tục có nhu cầu, nhà trường sẽ lên danh sách và vận chuyển sớm nhất đến tay gia đình với mục tiêu 100% học sinh có sách giáo khoa trước khi năm học mới bắt đầu.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh - Đồng Lạc, Chương Mỹ (Hà Nội):
Giáo viên phải tập huấn cho phụ huynh
Với nhiều gia đình, việc học trực tuyến cho học sinh lớp 1 đặt ra không ít khó khăn, thử thách. Thứ nhất là không có điều kiện mua sắm trang thiết bị, kết nối mạng cho con học. Không chỉ vậy, nhiều gia đình dù có máy tính nhưng lại không có kỹ năng sử dụng. Trong quá trình học, việc tắt, mở âm thanh, hình ảnh hay gặp khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức lớp và việc học.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh - Đồng Lạc, Chương Mỹ (Hà Nội) |
Học sinh lớp 1 là đối tượng rất đặc biệt, các con còn bỡ ngỡ, chưa quen với việc ngồi học liền mấy giờ đồng hồ. Với nhiều gia đình, đặc biệt là gia đình ở nông thôn, bố mẹ còn bận rộn, không có thời gian kèm mà phó mặc cho con tự thân vận động hoặc nhờ ông bà. Trong khi đó, việc học trực tuyến hạn chế lớn nhất là cô giáo không sát sao với từng nét chữ học sinh mà phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của cha mẹ các em.
Từ những khó khă, bất cập ấy, là một phụ huynh có con vào lớp 1 năm học này, theo chị Quỳnh, để học trực tuyến với học sinh lớp 1, cô giáo nên tổ chức tập huấn kỹ năng sử dụng Zoom và các ứng dụng hỗ trợ dạy và học cho phụ huynh.
“Phụ huynh cũng cần được trao đổi về các thức học, trả bài cô, hướng dẫn phụ huynh kèm con như thế nào. Đó là cách đánh vần, cách làm phép tính, trình bày… bởi thực tế nhiều phụ huynh không biết lại dạy con sai. Vì vậy, cô giáo cần chỉ ra những cái cơ bản sách cũ khác với sách mới như thế nào để phụ huynh nắm bắt và hỗ trợ cùng”, chị Quỳnh chia sẻ.
Trước đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 với giáo dục tiểu học và bàn về nội dung dạy học trực tuyến trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết: Ngày 6/9/2021 là hết hạn áp dụng giãn cách xã hội lần thứ 3 theo Chỉ thị số 16-CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nếu tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội được kiểm soát thì học sinh cũng chưa thể đến trường ngay. Các nhà trường cần xác định việc tổ chức dạy học trực tuyến với tất cả các khối lớp là giải pháp ổn định trong thời gian đầu của năm học 2021-2022. Vì vậy, việc xây dựng phương án dạy học trực tuyến sao cho hiệu quả là vấn đề cần quan tâm, nhất là với học sinh lớp 1. Sở sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các nhà trường. Tinh thần chung là các trường họp thống nhất với phụ huynh học sinh về khung giờ học, các hình thức trao đổi, hỗ trợ học sinh; Dành từ 7 đến 10 buổi đầu để học sinh làm quen với hình thức học trực tuyến, tương tác với cô, với bạn... sau đó mới triển khai kế hoạch học tập. |