Đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, việc làm
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần lấy chất lượng đào tạo để xây dựng thương hiệu nhằm thu hút nhiều người lao động tham gia học nghề
Bài liên quan
Phát triển nông nghiệp an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao
Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong công tác xây dựng nông thôn mới
Tín dụng chính sách giúp người dân có cơ hội thoát nghèo bền vững
Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch tại làng cổ Đường Lâm
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Đào tạo nghề có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, cả nước hiện có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 388 trường cao đẳng, 551 trường trung cấp, còn lại là trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, các bộ, ngành, địa phương đang rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị. Việc chuẩn hóa giáo viên, cơ sở vật chất, nội dung giảng dạy… cũng được tính đến. Mô hình đào tạo chất lượng cao đã được triển khai thí điểm tại 45 trường; đồng thời mô hình nghề trọng điểm cũng từng bước mở rộng.
Đối với mô hình trường nghề chất lượng cao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất lấy kinh phí từ Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động để đầu tư cho các cơ sở được chọn thí điểm. Những cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển theo mô hình chất lượng cao như: Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình... đang phát huy hiệu quả.
Đến thời điểm này, mạng lưới trường công lập đã đào tạo 134 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 62 ngành, nghề cấp độ quốc tế; 93 ngành, nghề cấp độ khu vực; 134 ngành, nghề cấp độ quốc gia. Các trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài, trường thuộc doanh nghiệp nhà nước cũng lựa chọn đào tạo 64 ngành, nghề trọng điểm, gồm 18 ngành, nghề cấp độ quốc tế; 28 ngành, nghề cấp độ khu vực; 64 ngành, nghề cấp độ quốc gia. Đáng chú ý, ngành, nghề trọng điểm được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển theo hướng mở, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nhờ phát triển mô hình trường chất lượng cao, nghề trọng điểm, hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước được chuẩn hóa. Đặc biệt, 25 trường thí điểm đào tạo 12 nghề theo tiêu chuẩn quốc tế chuyển giao từ Australia đã được bổ sung trang thiết bị.
Đào tạo nghề có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội |
So với các tỉnh trên cả nước, Hà Nội được đánh giá là địa phương dẫn đầu trong công tác đào tạo nghề gắn với lao động, việc làm. Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết: Trong những năm qua, giáo dục nghề nghiệp đã từng bước đổi mới và phát triển, đạt được nhiều thành tựu nổi bật cả về quy mô, số lượng, chất lượng, loại hình đào tạo, cơ cấu ngành nghề.
Đối với Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, giáo dục nghề nghiệp tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, có tay nghề, trình độ kỹ năng, tác phong công nghiệp là yếu tố then chốt đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội; là động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, điều kiện phát huy nguồn nhân lực con người, yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Sau khi Luật Giáo dục nghề nghiệp chính thức được triển khai thực hiện, hoàn tất công tác chuyển giao giáo dục nghề nghiệp về ngành Lao động Thương binh và Xã hội quản lý, vai trò của giáo dục nghề nghiệp càng trở nên quan trọng, nhất là trong thời điểm cả nước nói chung cũng như Thủ đô Hà Nội nói riêng đang tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội. Do vậy, việc xây dựng và thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang được các cấp lãnh đạo quan tâm và chỉ đạo phải tích cực triển khai thực hiện.
Lấy chất lượng đào tạo để xây dựng thương hiệu
Theo lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, nhiều năm qua, Hà Nội đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo địa chỉ sử dụng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trong năm 2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã hợp tác với 753 doanh nghiệp với nhiều nội dung, hình thức phối hợp đa dạng. Trong công tác hợp tác với các doanh nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, nhiều đơn vị thực hiện có hiệu quả và cách thức gắn kết với các đối tác bền vững như: Trường CĐ Nghề Việt Nam – Hàn Quốc thành phố Hà Nội, Trường CĐ Nghề công nghệ cao Hà Nội, Trường CĐ Nghề công nghiệp Hà Nội, Trường Trung cấp Kinh tế - Du lịch Hoa Sữa, Trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội… Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hợp tác với 512 doanh nghiệp với chỉ tiêu đặt hàng đào tạo và tuyển dụng là trên 15.300 người với nhiều nội dung khác nhau.
Có thể thấy, hiện nay mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Một số cơ sở được đầu tư về nhiều mặt để đào tạo một số ngành, nghề trọng điểm theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Mối quan hệ giữa người học với nhà trường và doanh nghiệp ngày càng hình thành rõ nét, bảo đảm cho hơn 70% người lao động tham gia học nghề có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh những kết quả khả quan, việc triển khai các chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội cũng bộc lộ những bất cập như một số quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp còn chung chung, gây khó khăn cho các cơ sở có ngành, nghề đào tạo đặc thù nâng cao chất lượng giảng dạy, huy động nguồn lực xã hội hóa; công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh còn thiếu tính gắn kết, hiệu quả chưa cao, Hà Nội mới có khoảng 8% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở lựa chọn học nghề...
Để khắc phục những bất cập nêu trên, tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố vào ngày hồi tháng 7 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đã kiến nghị Đoàn giám sát đề xuất với các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định chưa hợp lý trong hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp hiện hành; sớm hoàn thiện quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi cả nước theo hướng phân bổ cơ sở đào tạo nghề phù hợp với từng vùng, tính đặc thù của địa phương, làm căn cứ cho các địa phương thực hiện việc sắp xếp, quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp khách quan, khoa học.
Sau khi nghe các kiến nghị, đề xuất của Hà Nội tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Triệu Thế Hùng nhấn mạnh: Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc tổ chức đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động. Đây cũng là nơi tập trung nhiều lao động trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu sử dụng lao động trong thời kỳ hội nhập, phát triển toàn diện.
Vì vậy, thành phố cần tiếp tục quan tâm đầu tư cho các trường chất lượng cao, nghề trọng điểm theo tiêu chuẩn khu vực, quốc tế; nghiên cứu, đưa ra dự báo về nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực trong những năm tới, tránh tình trạng đào tạo lãng phí... Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động thực hiện cơ chế tự chủ; lấy chất lượng đào tạo để xây dựng thương hiệu nhằm thu hút nhiều người lao động tham gia học nghề.