Đảm bảo công tác phòng chống thiên tai từ cấp cơ sở
Hàng năm, Hà Nội thường lên kế hoạch đảm bảo công tác phòng chống thiên tai từ cấp cơ sở
Bài liên quan
Nâng cao năng lực tham mưu của các Văn phòng BCH phòng chống thiên tai các tỉnh
Tăng cường truyền thông nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra
Ứng dụng có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” trong vùng rốn lũ
Thủ tướng Chính phủ gửi thư chia sẻ cùng đồng bào vùng lũ miền Trung
Chủ động ứng phó với thiên tai
Do địa hình khu vực phía Tây Hà Nội gồm các huyện Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất có độ dốc lớn nên bị ảnh hưởng mạnh của lũ rừng ngang từ Hòa Bình dồn về nhanh. Trong thời gian ngắn mực nước các sông lên cao, dẫn đến tình hình ngập úng nặng nề hơn, nhất là trên địa bàn 2 huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức.
Bên cạnh đó, Hồ Sơn La cùng với hồ Hòa Bình tham gia cắt giảm, điều tiết lũ cho Hà Nội nhưng hầu hết các sông của nước ta đều bắt nguồn từ Trung Quốc nên vẫn còn yếu tố bị động trong việc điều tiết, cắt giảm lũ. Đây được xem là một trong những nguyên nhân gây ra thiệt hại nặng nề từ thiên tai mưa bão.
Từ thực tế tại xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho thấy đây là khu vực có địa hình rất phức tạp, đất đai chia cắt bởi khu vực đồi gò và các đồng trũng. Xã có 6 thôn thuộc vùng trũng giữa của huyện Chương Mỹ và có sông Bùi chảy qua, thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về. Do đặc điểm riêng của con sông Bùi chảy qua địa bàn xã quanh co lòng sông hẹp nên lượng mưa thượng nguồn dồn về nước dâng lên rất nhanh, nguy cơ tràn đê, vỡ đê là rất lớn ảnh hưởng trực tiếp đến 8 nghìn người dân của xã và nhân dân các xã thuộc vùng Tả Bùi huyện Chương Mỹ và trung tâm thành phố.
Qua thực tiễn công tác ứng phó, đảm bảo an toàn đê điều trong những năm qua, xã Thanh Bình cho rằng, để phòng chống lụt bão hiệu quả, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân. Đặc biệt, để giảm nhẹ thiên tai gây ra cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng và trách nhiệm của họ đối với chính mình.
Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền thường xuyên tuyên truyền giáo dục nhận thức công tác phòng chống thiên tai ở cộng đồng với nhiều đối tượng khác nhau. Đặc biệt, cần thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin chính xác, kịp thời nhất là khi có thiên tai xuất hiện, thông báo chính xác đầy đủ thông tin một cách nhanh nhất để người dân biết và chủ động.
Thực hiện “4 tại chỗ” để ứng phó
Trong công tác phòng, chống đê điều cần lưu ý những tồn tại trong thiết kế, thi công và quản lý hồ chứa cũng như những biến đổi bất thường về khí hậu dẫn đến nguy cơ làm mất an toàn, vỡ đập và gây ra thảm họa cho khu vực hạ du. Theo đó, cần chú trọng đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, hồ chứa, phối hợp tiêu thoát nước nhanh cho khu vực nội thành, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Hàng năm, để chuẩn bị ứng phó với mưa bão, thiên tai, bảo vệ đê điều và các công trình phòng, chống thiên tai, theo sự chỉ đạo của UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cùng các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã đã chủ động xây dựng, phê duyệt các kế hoạch phương án phòng, chống, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ.
Không những vậy các kế hoạch, phương án sau khi được phê duyệt cũng thường xuyên được rà soát, kiểm tra, diễn tập và điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Khi vào mùa mưa bão, các cấp, các ngành luôn chủ động triển khai các kế hoạch, phương án đã được phê duyệt nhằm hạn chế tối đa các thiệt hại có thể xảy ra.
“Với vai trò là thường trực công tác phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, trong năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu và tổng hợp kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố. Cụ thể, Sở đã ban hành Kế hoạch công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể trong công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã.
Cùng với đó, Sở cũng ban hành nhiều kế hoạch về công tác tìm kiếm cứu nạn năm 2019; kế hoạch hiệp đồng sử dụng lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của lực lượng công an. Ngoài ra, Sở cũng lên phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm, phương án cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân; Phương án phòng, chống úng ngập ngoại thành và đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão...”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh khả năng bảo vệ đê điều, phòng chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành cập nhật, xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện các Kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, phù hợp với thực tế. Chủ động lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội.
Đồng thời, các địa phương cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng hồ đập, đê điều, cơ sở hạ tầng và các công trình phòng chống thiên tai, đặc biệt lưu ý trong việc xác định và bảo vệ các trọng điểm, xung yếu. Ngoài ra cần đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng lực của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, đồng thời nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai; nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai...