Đảm bảo an toàn các hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi ở Nghệ An
Đảm bảo quy trình vận hành xả lũ
Trước ảnh hưởng của cơn bão số 4, giai đoạn cuối tháng 9 năm nay, Nghệ An đã có 225 hồ chứa đầy nước. Các đơn vị thủy lợi, các địa phương đang tập trung vừa tích nước để phục vụ sản xuất, vừa vận hành, điều tiết các hồ chứa an toàn mùa mưa lũ.
Mực nước lúc 19h tối 30/9 trên sông Cả (sông Lam) tại Yên Thượng 9,02m, ở mức báo động 3; tại Nam Đàn 7,22m, trên báo động 2.
Theo Chi cục Thủy lợi Nghệ An, hiện toàn tỉnh nhiều hồ chứa nhà máy thủy điện, hồ thủy lợi xả lũ gồm: thủy điện Khe Bố, thủy điện Chi Khê, thủy điện Bản Ang, thủy điện Châu Thắng, thủy điện Sông Quang, thủy điện Hủa Na, thủy điện Bản Cốc, thủy điện Nhạn Hạc...
Thủy điện Chi Khê vận hành xả lũ (Ảnh chụp lúc 10h ngày 30/9). Ảnh: Minh Sáu |
Để bảo đảm công tác vận hành điều tiết nước các hồ chứa thủy điện được an toàn theo đúng quy trình, một số công ty khai thác thủy điện ở Nghệ An đã có thông báo trước và tiến hành vận hành xả nước điều tiết hồ chứa thủy điện.
Trước tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã ban hành công điện khẩn yêu cầu các địa phương, đơn vị tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; tập trung khắc phục hậu quả bão số 4 và chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới.
Trong đó, nghiêm cấm người dân đánh bắt cá, vớt củi… trên sông, suối khi có mưa lũ hoặc di chuyển vào vùng ngập lũ, hạ du các hồ đập, khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, không để tiếp tục xảy ra những trường hợp thiệt hại đáng tiếc về người.
Các chủ hồ chứa thủy điện thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa, bảo đảm vận hành khoa học, an toàn, đồng thời góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.
Khẩn trương rà soát, lên phương án đối phó sự cố các hồ chứa thuỷ điện
Ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi cho biết, sau cơn bão số 4 thì tại Nghệ An có hai hồ thuỷ lợi nhỏ đã bị sự cố. Đây là một cảnh báo cho các hồ nhỏ có nguy cơ mất an toàn. Đặc biệt trong cái thời gian tới, khi những cơn mưa lũ cực đoan tiếp tục xảy ra tại miền Trung.
Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng hồ, đập lớn nhất cả nước với khoảng 1.061 hồ chứa các loại, thì hiện nay đã có hơn 950 hồ đầy nước. Những hồ đập ở Nghệ An được xây dựng từ 50-60 năm trước đã xuống cấp nghiêm trọng.
Tuy nhiên, số lượng hồ đảm bảo an toàn, đã được gia cố thì chỉ khoảng hơn 150 hồ. Các hồ nhỏ còn lại do địa phương quản lý nguy cơ mất an toàn rất cao nếu trời vẫn tiếp tục mưa.
Sau ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 4, những trận mưa lớn liên tục trong cuối tháng 9 năm nay, huyện Yên Thành đã có 6 hồ chứa đang ở mức báo động khẩn cấp (mực nước lòng hồ đã vượt qua tràn). Đó là các hồ chứa Vệ Vừng và Xuân Nguyên ở xã Đồng Thành, hồ Đồn Húng xã Hùng Thành, hồ Quán Hài xã Phúc Thành, hồ Mả Tổ và Nhà Trò xã Tân Thành.
Đáng lo ngại hơn, toàn huyện Yên Thành có trên 200 hồ chứa nước lớn nhỏ, hiện nay chỉ mới nâng cấp được khoảng trên 60%, còn lại đang còn nhiều hồ chứa địa phương đã xuống cấp. Trước tình hình trên, huyện Yên Thành chỉ đạo các xã xây dựng phương án cụ thể để ứng phó, cụ thể là đã chuẩn bị các phương án di dời dân đến nơi an toàn khi xảy ra sự cố.
Sự cố tại đập Bàn Vàng xã Tiến Thành, Yên Thành. Ảnh: Văn Trường |
Tháng 9 năm 2021, sự cố vỡ thân đập Bàn Vàng, xã Tiến Thành, huyện Yên Thành đã trở thành một bài học lớn về công tác đảm bảo an toàn tại các hồ chứa. Mặc dù đã được cải tạo năm 2009, nhưng do xây dựng đã quá lâu (gần 50 năm), chủ yếu được đắp bằng đất nên thân đập yếu và đã tự vỡ với chiều rộng khoảng 5m và chiều sâu khoảng 4m. Sự cố vỡ đập dù không gây thiệt hại về người nhưng lại gây thiệt hại lớn về kinh tế, hoa màu, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Không chỉ huyện Yên Thành mà nhiều hồ, đập ở một số địa phương khác ở Nghệ An cũng bị hư hại nghiêm trọng, hay bị vỡ, nhất là hồ đập có trữ lượng nước vài triệu mét khối, được xây dựng đã lâu, do thiếu vốn chưa được nâng cấp.
Từ nay đến cuối năm, dự báo nước ta nói chung và các tỉnh, thành phố miền Trung nói riêng còn đón nhiều cơn bão lớn, mưa nhiều. Do đó, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An cần đặc biệt quan tâm đến việc vận hành hồ chứa, thực hiện nghiêm quy trình vận hành đã ban hành.
Đối với việc vận hành liên hồ chứa, hiện quy định đã nêu rất rõ, mực nước đến đâu mới được xả lũ, khi xả phải thông báo cho người dân trước bao nhiêu tiếng để có đủ thời gian di chuyển tài sản, sơ tán để đảm bảo an toàn, các đơn vị cần tuyệt đối tuân thủ, tránh trường hợp khi lũ về mới mở xả khiến “lũ chồng lũ”.