Đại tướng Nguyễn Quyết - tỏa sáng phẩm chất trung kiên của người cộng sản
Hội tụ đầy đủ “Trí - Dũng - Nhân - Tín - Liêm - Trung”, Đại tướng là người đưa ra nhiều quyết sách chiến lược, đóng góp quan trọng ở hầu hết giai đoạn lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thế kỷ XX.
Trọn đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân
Sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, Đại tướng Nguyễn Quyết đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho cách mạng.
Năm 1940, khi mới 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Quyết được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương phụ trách Bí thư Thanh niên phản đế Kim Động. Đến năm 1941, đồng chí được được Xứ ủy Bắc kỳ phân công trở lại Hà Nội phụ trách công tác vận động công nhân làm nòng cốt gây dựng phong trào.
Sau khi tham dự lớp học quân sự gần một tháng tại Thái Nguyên, giữa năm 1944, Đại tướng Nguyễn Quyết được phân công phụ trách công tác quân sự Hà Nội. Tháng 11/1944, đồng chí được Trung ương Đảng và Bác Hồ chỉ định làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, khi mới ngoài 22 tuổi.
Hình 1: Đồng chí Nguyễn Quyết trước giờ lên đường Nam tiến, cuối năm 1945. Hình 2: Đồng chí Nguyễn Quyết (ngồi ngoài cùng bên trái) cùng cán bộ Nam tiến, năm 1946. Hình 3: Đồng chí Nguyễn Quyết (bên trái), Chính trị viên và Đàm Quang Trung, Chỉ huy trưởng mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng (1947-1948). Hình 4: Hội nghị chiến sĩ thi đua Phòng Chính trị Liên khu 5 năm 1953-1954 (từ năm 1953 đến năm 1954 đồng chí Nguyễn Quyết là Trưởng phòng Chính trị Liên khu 5) - Ảnh: Tư liệu |
Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Nguyễn Quyết gắn liền với những mốc son lịch sử của Thủ đô và đất nước. Trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, đêm 17/8/1945, đồng chí đã cùng các đồng chí lãnh đạo Thành ủy Hà Nội họp bàn và ra một quyết định lịch sử: Bằng lực lượng tại chỗ, Hà Nội khởi nghĩa vào ngày 19/8/1945, không chờ quân Giải phóng từ Chiến khu Việt Bắc về, bởi chờ đợi sẽ mất thời cơ. Cách mạng Tháng Tám thành công đã trở thành bài học về bản lĩnh, sáng tạo, kiên quyết, kịp thời và triệt để hành động theo Chỉ thị của Đảng và Bác Hồ “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Đánh giá về quyết định táo bạo này, Cố tổng Bí thư Trường Chinh nhận định: Trong thời cơ lịch sử có một không hai đó, đã xuất hiện những con người thông tuệ được tôi luyện trong môi trường cách mạng, những trái tim và khối óc không chỉ dựa vào lòng yêu nước nồng nàn, mà còn có tư chất tuyệt vời, phán đoán sắc sảo về khả năng thắng lợi của cách mạng với sự nhạy cảm thời cuộc đặc biệt. Ban lãnh đạo của Hà Nội khi đó toàn những người trẻ tuổi, dưới 30, mà người đứng đầu là Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết mới ở tuổi 23 và kinh qua 6 năm tôi luyện trong đấu tranh cách mạng. Thật là tuyệt vời!
Hình 1: Đồng chí Nguyễn Quyết trước giờ lên đường Nam tiến, cuối năm 1945. Hình 2: Đồng chí Nguyễn Quyết (ngồi ngoài cùng bên trái) cùng cán bộ Nam tiến, năm 1946. Hình 3: Đồng chí Nguyễn Quyết (bên trái), Chính trị viên và Đàm Quang Trung, Chỉ huy trưởng mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng (1947-1948). Hình 4: Hội nghị chiến sĩ thi đua Phòng Chính trị Liên khu 5 năm 1953-1954 (từ năm 1953 đến năm 1954 đồng chí Nguyễn Quyết là Trưởng phòng Chính trị Liên khu 5) (Ảnh: Tư liệu) |
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, giặc Pháp quay trở lại Nam Bộ, Đại tướng Nguyễn Quyết đã vào Nam chiến đấu. Từ năm 1946 đến 1950, với cương vị Chính ủy Trung đoàn 108, phụ trách mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng chí đã chủ trương sử dụng lực lượng chủ lực hợp đồng chặt chẽ với quân dân địa phương chiến đấu lập nhiều chiến công oanh liệt.
Cuối năm 1953, để cứu vãn tình hình bất lợi, quân Pháp mở chiến dịch Át-lăng nằm trong tổng thể Kế hoạch Nava nhằm “xóa” vùng tự do Liên khu 5, làm bàn đạp đánh chiếm Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Quyết là một trong bộ ba chỉ huy trực tiếp chống chiến dịch lớn chưa từng có này của Pháp. Chiến thắng Chiến dịch Át-lăng đã giữ cho Liên khu 5 là hậu phương vững chắc, góp công lớn vào Chiến thắng Điện Biên Phủ. Quân dân Liên khu 5 đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen ngợi.
Năm 1955, Quân đội điều đồng chí Nguyễn Quyết về làm Chính ủy Quân khu Tả Ngạn (tiền thân của Quân khu 3). Suốt gần 30 năm, đồng chí cùng Bộ tư lệnh Quân khu chủ động tiến hành xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngay trong điều kiện hòa bình. Trên cơ sở phát triển một cách sáng tạo đường lối chiến tranh Nhân dân toàn dân, toàn diện, Quân khu 3 đã có sự chuyển biến tích cực, to lớn về nhiều mặt, nhanh chóng, cơ động chuyển hướng từ thời bình sang thời chiến để chiến thắng đế quốc Mỹ.
Đại tướng Nguyễn Quyết (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) trong một lần gặp mặt đồng đội từng tham gia Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (Ảnh tư liệu) |
Với phương châm làm việc sâu sát thực tế, luôn có mặt ở những đơn vị khó khăn nhất, Đại tướng Nguyễn Quyết là người đặc biệt quan tâm đến vấn đề biển, đảo. Vào dịp Tết, đồng chí thường xuyên đi tìm hiểu tình hình và chúc Tết quân, dân nơi đảo xa. Tháng 5-1989, đồng chí ra Trường Sa và khẩu hiệu thiêng liêng: “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước” ra đời.
Những quyết sách của Đại tướng Nguyễn Quyết trong Phong trào “Làm giàu, đánh thắng”, “Vươn ra Biển Đông làm giàu, đánh thắng” cũng đã thể hiện tính chiến lược, đi trước thời gian của một trí tuệ sắc bén, hết lòng vì Tổ quốc, vì Nhân dân. Đồng chí cũng là người đề xuất Trung ương, Bộ Chính trị những nghị quyết kịp thời, đúng đắn về quân sự - quốc phòng, kinh tế, đối ngoại… phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế.
Đại tướng thời bình và chuyến công tác bằng tàu "chợ”
Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Nguyễn Quyết gắn liền với những mốc son lịch sử và những quyết sách mang tính chiến lược, có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển vững mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, trong cảm nhận của người thân, đồng đội và nhân dân, Đại tướng là người vô cùng giản dị, gần gũi.
Đại tướng Nguyễn Quyết khi tròn 100 tuổi (Ảnh tư liệu BQP) |
Nhớ lại kỷ niệm được tháp tùng Đại tướng Nguyễn Quyết trong chuyến công tác thực tế tại các xã miền núi tỉnh Quảng Bình tháng 10/1990, Đại tá Mai Nam Thắng, nguyên Trưởng phòng Biên tập báo Quân đội Nhân dân Cuối tuần cho biết: "Trái với tưởng tượng của tôi, cả năm thầy trò đi chung một chiếc xe con hiệu La-đa màu đen đã cũ mang biển số dân sự. Tất cả chỉ vậy, không phải xe điều hòa nhiệt độ có cát-xét du dương, không có ô tô dẫn đường rú còi inh ỏi, không có cảnh tiền hô hậu ủng náo nhiệt...".
Vào Quảng Bình đúng đợt mưa lũ, song Đại tướng Nguyễn Quyết vẫn quyết định sử dụng mọi phương tiện sẵn có của địa phương, cùng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa 8 lên hai xã vùng sâu, vùng xa là Minh Hóa và Tuyên Hóa giữa trời mưa to để được tận mắt chứng kiến những khó khăn, vất vả của nhân dân. Do mưa ngập nên khi trở về, Đại tướng quyết định cả đoàn sẽ đi tàu "chợ". Nghe tin có đoàn đại biểu cấp cao đi tàu, bà con kéo đến rất đông. Công an huyện yêu cầu mọi người giải tán nhưng Đại tướng lại chủ động trò chuyện thăm hỏi ân cần mọi người xung quanh từ những việc hằng ngày như học hành, chữa bệnh đến chăn nuôi, trồng trọt.
Đại tướng Nguyễn Quyết vẫn giữ thói quen cập nhật thông tin báo chí khi đã ở tuổi 100 (Ảnh: Năng Lực) |
Nhờ chuyến đi kiểm tra thực tế đầy vất vả và những cuộc tiếp xúc gần gũi Nhân dân như thế nên trong buổi làm việc cuối cùng với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, đồng chí Nguyễn Quyết và các đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến đóng góp, chỉ đạo hết sức sâu sát, sắc sảo nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện chính sách dân tộc và miền núi ở tỉnh Quảng Bình.
“Quê tôi ở huyện Tuyên Hóa, từ bấy đến nay, mỗi dịp về phép lại được nghe cán bộ, Nhân dân huyện nhà nhắc mãi chuyến về thăm Tuyên Hóa của Đại tướng Nguyễn Quyết và đoàn đại biểu Quốc hội năm nào. Họ bảo, chưa bao giờ có một đoàn cán bộ cấp “to” như thế về huyện ta. Chưa bao giờ họ nghĩ một ông Đại tướng thời bình lại đi công tác bằng... xe tải, xe ôm, thuyền bè và tàu chợ”, Đại tá Mai Nam Thắng xúc động nhớ lại.
Những ngày đầu xuân năm 2024, Đại tướng Nguyễn Quyết vinh dự nhận Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng.
Đại tướng Lương Cường trân trọng trao Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng tặng Đại tướng Nguyễn Quyết (Ảnh tư liệu BQP) |
Trực tiếp trao Huy hiệu Đảng cho Đại tướng Nguyễn Quyết, Đại tướng Lương Cường (khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam) nhấn mạnh: Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng chí Nguyễn Quyết được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách, như: Tham gia lãnh đạo, chỉ huy trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Dù được giao nhiệm vụ gì và trong hoàn cảnh nào, đồng chí Nguyễn Quyết cũng đều quyết tâm hoàn thành tốt và xuất sắc. Đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn, cam go, ác liệt, đồng chí luôn giữ vững và tỏa sáng phẩm chất trung kiên của người cộng sản, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng chí có nhiều đóng góp to lớn, quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và sự lớn mạnh, trưởng thành của Tổng cục Chính trị và Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Đại tướng Lương Cường và lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, các cơ quan, đơn vị tại lễ trao Huy hiệu 85 tuổi Đảng tặng Đại tướng Nguyễn Quyết (Ảnh tư liệu BQP) |
Đại tướng Lương Cường cũng khẳng định: Để tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống cách mạng của Đảng, Quân đội, học tập tấm gương Đại tướng Nguyễn Quyết và các thế hệ đi trước, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ của cơ quan Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam nói riêng và toàn quân nói chung xin hứa sẽ đoàn kết một lòng, kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn, con đường mà Đại tướng Nguyễn Quyết dành cả cuộc đời để chiến đấu. Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; xứng đáng với lời khen tặng của Bác Hồ: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
Dành trọn cuộc đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, 21h09 ngày 23-12-2024, Đại tướng Nguyễn Quyết đã rời xa cõi tạm, hưởng thọ 102 tuổi. Với những đóng góp to lớn, quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; sự lớn mạnh, trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, Đại tướng Nguyễn Quyết đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Sao vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; hai Huân chương Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Quân kỳ Quyết thắng... và nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, bạn bè quốc tế trao tặng.