Đại biểu Quốc hội ủng hộ Hà Nội tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách
Thông qua danh sách sơ bộ 188 ứng cử viên đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XVI Hà Nội: Bàn giao 260 hồ sơ ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND thành phố khóa XVI |
Theo Tờ trình của Chính phủ về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2006, thành phố Hà Nội đề nghị, tổng số đại biểu chuyên trách của HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 19 đại biểu. HĐND quận, huyện, thị xã và HĐND xã, thị trấn thực hiện việc bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (có từ 5 - 6 đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách).
Việc đề xuất tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội chỉ thực hiện trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 để triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thủ đô. Sau khi kết thúc thực hiện thí điểm sẽ tiến hành tổng kết để đánh giá, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp.
Đại biểu Trương Minh Hoàng |
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trương Minh Hoàng (Đoàn Cà Mau) đồng tình cao về quy định số lượng được bổ sung thêm cho HĐND TP Hà Nội về hoạt động chuyên trách. Việc chuẩn bị thêm nhân lực cho đại biểu hoạt động chuyên trách ở cấp TP Hà Nội là điều cần thiết, đồng thời một dịp để chuẩn bị nguồn nhân lực cho HĐND trong những khóa tiếp theo.
"Mỗi tháng, mỗi quý, các đại biểu có thể đi thực tế cho hoạt động chuyên trách của mình. Có thể một tháng hoặc 15 ngày để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Quá trình đó cũng là quá trình rèn luyện thực tế ở cơ sở, để có thêm thực tiễn khi hoạt động chuyên trách về xây dựng luật, thực hiện nhiệm vụ giám sát, cũng như tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước hay ở địa phương", đại biểu Minh Hoàng nói.
Đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân ( Đoàn Khánh Hòa) chia sẻ: “Nếu các đồng chí đã từng hoặc đang công tác tại HĐND thì có lẽ tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách là một niềm mơ ước. Để nâng cao chất lượng của HĐND các cấp cũng rất cần đội ngũ hoạt động chuyên trách. Hiện nay, số lượng chuyên trách của HĐND các cấp quá ít, dẫn đến tình trạng quá tải với các công việc, nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương đối với tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, trật tự trị an”.
Với những lý do nêu trên, đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng, việc tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách với HĐND thành phố Hà Nội là rất hợp lý, và qua thí điểm thực hiện có thể tổng kết, nhân rộng mô hình này tỏng thời gian tới.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (Đoàn TP Hà Nội) nêu rõ, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố hiện đã lên đến 18 đại biểu, nên nếu so sánh với quy định của Luật hiện hành có mức tăng cao, song so với thực tế thì số lượng tăng thêm không lớn. Với các phân tích được Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đưa ra, đại biểu Nguyễn Văn Chiến cho rằng, việc tăng đại biểu hoạt động chuyên trách tại HĐND thành phố Hà Nội là hoàn toàn có tính khả thi, cũng như bảo đảm về vấn đề ngân sách để chi trả cho số lượng tăng thêm ở nhiệm kỳ này.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến |
Đại biểu Lê Thanh Vân ( Đoàn Cà Mau) đánh giá, đây là một tư duy rất mới, tích cực. Đại biểu góp ý, cần phải nghiên cứu một bảng lương riêng cho các cơ quan dân cử. Các đại biểu dân cử phải có một địa vị chính trị, pháp lý cụ thể, rõ ràng, thể hiện qua đãi ngộ của Nhà nước, mà ở đây chính là ủy thác của nhân dân.
“Nếu như anh trong nhiệm kỳ, gánh vác trách nhiệm của Nhân dân ủy thác thì anh được hưởng quyền đó. Còn nếu như một đại biểu Quốc hội sau này trở lại đơn vị công tác thì trở lại mức lương cũ là bình thường. Đó là một nguyên tắc mà nhiều lần trong Nghị quyết Đảng đã nói, là làm việc gì ăn việc đấy”, đại biểu bày tỏ.
Đại biểu dẫn chứng trong bảng lương hiện nay mâu thuẫn ở chỗ một số chức danh của Quốc hội thì hưởng lương bầu cử, nhiều chức danh khác lại hưởng lương theo hệ thống hành chính, tức là phụ cấp trách nhiệm.
“Tôi đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này. Đây là một chính sách rõ ràng thể hiện đãi ngộ của nhà nước, của Nhân dân đối với các đại biểu dân cử, có như vậy mới thu hút được nhân tài vào ngồi ở các cơ quan quyền lực nhà nước, từ Quốc hội đến HĐND các cấp”, đại biểu Chiến đề nghị.
Một số đại biểu khác kiến nghị, chức danh đại biểu chuyên trách cũng phải tương đương hoặc bằng chức danh Phó Giám đốc Sở của cấp thành phố. Mức phụ cấp 0,6 hiện nay chỉ bằng với mức phụ cấp chức danh của Trưởng phòng của cấp TP Hà Nội và TP HCM.
Trả lời những ý kiến của các đại biểu quan tâm đến phụ cấp của đại biểu hoạt động chuyên trách, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện trong thang bảng lương và danh mục vị trí việc làm chưa có chức danh đại biểu chuyên trách của các ban HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
“Hà Nội vừa qua đã thí điểm và cho hưởng phụ cấp 0,6 bằng với phụ cấp trưởng phòng cấp Sở. TP.HCM cũng đang áp dụng mức phụ cấp này. Như vậy, phụ cấp của các đại biểu hoạt động chuyên trách của các ban HĐND không thể cao hơn hoặc bằng với phụ cấp của Phó ban HĐND. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, chúng tôi sẽ nghiên cứu để đồng bộ mức phục cấp này”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.