Đại biểu Quốc hội đề xuất xây dựng Luật Bản dạng giới cho cộng đồng người đồng tính
Sáng 24/5, thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, các ý kiến cơ bản tán thành với nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng, công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh có nhiều đổi mới, tiến bộ và kết quả tích cực.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí |
Tuy vậy, một số hạn chế, bất cập tồn tại từ lâu vẫn chưa được khắc phục, như: Một số hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết chưa bảo đảm chất lượng, chưa đầy đủ theo quy định; Việc gửi hồ sơ không ít trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định; Vẫn còn tình trạng dự án đã được đưa vào Chương trình nhưng không chuẩn bị kịp để trình Quốc hội theo đúng kế hoạch.
Những hạn chế này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng chủ yếu là do công tác tổ chức thực hiện chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm.
Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc điều chỉnh thường xuyên cho thấy tính ổn định của chương trình chưa bền vững, trong khi đây là gốc rễ thuộc quyền lập pháp của Quốc hội. “Quốc hội thông qua rồi thì hạn chế tối đa việc điều chỉnh mới tôn trọng Quốc hội”, ông Vân nói.
Đại biểu đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là luật hoá sáng kiến của Đảng đoàn Quốc hội về chiến lược lập pháp.
“Chúng ta có chiến lược liên quan kinh tế - xã hội, đầu tư công, kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm thì sao không có tầm nhìn xa hơn về xây dựng pháp luật”, ông Lê Thanh Vân đặt vấn đề.
Đại biểu cũng cho rằng, cần mở rộng thành phần soạn thảo các dự án, chú trọng các chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là đối tượng chịu tác động để họ lên tiếng. Lấy ý kiến Nhân dân rộng rãi về dự án có tác động rộng và không đưa vào chương trình các dự án mà Quốc hội đã không tán thành.
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) lưu ý, các dự án luật thường có nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết và nguyên tắc phải có văn bản dưới luật đi kèm để Quốc hội xem xét, song văn bản này lâu nay chưa được quan tâm.
Cũng theo ông An, ý kiến của các Bộ, ngành liên quan về dự án luật là rất quan trọng. Song, thực tế khi thẩm tra, có dự án luật lớn, cả trăm điều song có cơ quan tham gia chỉ mấy câu như “hoàn toàn nhất trí với dự thảo”.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề nghị Quốc hội sớm xây dựng Luật Khám chữa bệnh sửa đổi, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật Hiến ghép mô tạng (do hiện nay ngành Y phải lấy trái tim người lớn ghép cho trẻ em do luật chưa cho phép trẻ em hiến).
Đồng thời đại biểu cũng đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới cho cộng đồng người đồng tính vì xã hội nào cũng có 3-10% người đồng tính. Do vậy, đã đến lúc xã hội văn minh cần quan tâm đến họ.
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ này chú trọng công tác xây dựng thể chế, số lượng các cuộc họp về công tác này cũng rất nhiều, cách làm cũng có điểm khác, là sự cố gắng lớn của Chính phủ và nhận được sự đồng thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, nội dung này đã nằm trong đề án xây dựng luật của Chính phủ, sẽ được xây dựng trong thời gian tới.